Quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo trên 3 phương diện
VBĐVN.vn - Quản lý tài nguyên, môi trường biển theo phương thức tổng hợp đã được áp dụng ở Việt Nam từ khoảng 2 thập kỷ nay. Quản lý tổng hợp trên 3 phương diện: theo tính hệ thống; theo chức năng và theo phương thức quản lý đã giúp phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên biển đảo.
Thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ
Theo Bộ TN&MT, quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp đang được áp dụng rất phổ biển tại nhiều nước trên thể giới. Nhiều quốc gia có biển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Indonesia, Nam Phi... đã thể chế hóa phương thức quản lý này bằng các đạo luật hoặc chính sách khung có tính pháp lý cao để triển khai thực hiện. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không phải là hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Ngay từ năm 2000, tại Đà Nẵng đã thực hiện dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ. Từ năm 2000 tới năm 2006, Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án quản lý tổng hợp vùng bờ thí điểm tại Nam Định, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác này tiếp tục được triển khai trên diện rộng theo Quyết định số l58/2007/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
3 nguyên tắc, 3 phương diện
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải bảo đảm 03 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc đầu tiên là phải được quản lý thống nhất theo Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Bảo vệ chủ quyền quốc gia, Bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nguyên tắc thức hai là dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, Bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo. Nguyên tắc thứ 3 là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý; Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Tính tổng hợp của phương thức quản lý này được thể hiện trên 3 phương diện: Tổng hợp theo tính hệ thống, theo đó mỗi vùng bờ được coi là một hệ thống tài nguyên thống nhất, được quản lý theo phương thức không cắt rời, chia nhỏ hay xem xét các thành phần của nó một cách riêng biệt để bảo đảm tính toàn ven đồng thời, xem xét vùng bờ là hệ thống tương tác giữa tự nhiên và xã hội, giữa các yếu tố sinh học và phi sinh học; Tổng hợp theo chức năng, mỗi vùng bờ là một hệ thống nhiều chức năng, cần được xem xét sử dụng cho phù hợp với các chức năng đó và trong giới hạn chịu tải của hệ thống, tiểu hệ thống trong vùng; Tổng hợp về phương thức quản lý, phương thức quản lý theo chiều dọc (các cấp) và chiều ngang (các bên liên quan) để bảo đảm tính ngành, đa cấp, đồng thời, phải có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và hành động quản lý.
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được hiểu là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành liên vùng để Bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vũng, Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận