Quản lý tổng hợp vùng bờ - nhận diện những thách thức

09:31 02-12-2022

VBĐVN.vn - Nhận diện rõ những thách thức trong quản lý tổng hợp vùng bờ sẽ giúp các nhà quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đưa ra những những giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh.

Trong hơn hai thập kỷ qua, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường trước đây và Bộ Tài nguyên và Môi trường sau này đã có nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu và áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ tại Việt Nam.

Ở cấp Trung ương đã xây dựng và triển khai Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược. Các văn bản chính sách, pháp luật được xây dựng và hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý, cơ sở kỹ thuật cho việc triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ ở cấp địa phương. Từ những dự án do nước ngoài hỗ trợ, đến nay quản lý tổng hợp vùng bờ được quan tâm triển khai tại hầu hết các địa phương có biển.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường vùng bờ Việt Nam đã có những cải thiện lớn trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, ven biển thời gian qua. Có thể kể đến việc chúng ta đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và vùng ven biển, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36- NQ/TW; đồng thời xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý hoạt động lấn biển, quản lý hải đảo, quản lý đất ngập nước ven biển. Việc kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương; kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đã nâng sức mạnh quản lý biển, đảo cả ở Trung ương và tại các địa phương có biển.

Quản lý tổng hợp vùng bờ còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, hàng loạt các thách thức đã được Bộ TNMT chỉ rõ. Đó là: Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường chưa đầy đủ; đặc biệt là thiếu các hướng dẫn thực thi công tác quản lý biển, hải đảo và quản lý tổng hợp vùng bờ. Quản lý tổng hợp vùng bờ chậm được cụ thể hóa và đưa vào trong thực tiễn. Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chậm xây dựng, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực thi đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo, trong đó có việc triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ và phân vùng sử dụng vùng bờ cấp địa phương.

Cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước thống nhất về biển, đảo, về quản lý tổng hợp vùng bờ chưa phát huy tác dụng trong thực tế. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Ý thức, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế biển chưa cao.

Đóng góp của điều tra, nghiên cứu khoa học về biển và quản lý tổng hợp vùng bờ còn hạn chế và chưa hiệu quả; Hoạt động hợp tác quốc tế về biển và hải đảo còn nhiều bất cập; Nguồn vốn đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên, môi trường biển và lập hồ sơ hải đảo còn rất còn rất hạn chế.

Những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống giải pháp từ thể chế chính sách, nguồn lực đến khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế.

Theo monre.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang