Quảng Ninh: Hàu rớt giá, ngư dân “chôn” tiền dưới biển

14:54 16-09-2021

VBĐVN.vn - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàu liên tục rớt giá, nhất là trong năm 2021.

Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) được biết đến với đặc sản hàu Thái Bình Dương, với khoảng 2.500 ha diện tích, là vùng hàu lớn nhất trong cả nước. Trong những năm qua nhuyễn thể này đã mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàu liên tục rớt giá, nhất là trong năm 2021. Theo khảo sát hiện vẫn còn khoảng gần 300.000 tấn hàu chưa được thu hoạch, song giá thuê nhân công cao hơn giá trị hàu, do vậy nhiều ngư dân gần như “ chôn” tiền dưới biển.

Hiện tại Vân Đồn vẫn còn khoảng 300.000 tấn hàu chưa được thu hoạch do không có thương lái đến thu mua.

Hàu rớt giá thảm

Anh Bùi Duy Bình, xã Hạ Long huyện Vân Đồn cùng với một số người bạn chung nhau nuôi 60 bè tre và 40 bè phao dây. Anh cho biết năm nay hàu đạt cả về sản lượng và chất lượng nhưng rất khó tiêu thụ. Trong một tháng qua anh đã cắt gần 2 tấn hàu cho các đơn vị thu mua lấy mẫu đánh giá, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị nào đặt vấn đề mua vào. Do vậy các hộ chung nuôi đều rất khó khăn vì vốn đầu tư lớn nhưng chưa được thu lại.

Mặt khác giá hàu năm nay giảm rất sâu, chỉ còn từ 3.000-4000 đồng/kg mua xô. Năm 2020 giá mặc dù giảm nhưng vẫn được ở mức từ 7.000-8.000 đồng/ kg, ngư dân còn vớt vát được một phần để trang trải chi phí, còn với mức giá năm nay việc trông coi, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển đã vượt mức. Chưa kể mùa bão về, không có người thu mua thì hàu rụng xuống biển. Coi như ngư dân “ chôn” tiền ở dưới biển.

Trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm khi hàng chục tấn hàu vẫn đang nằm dưới biển chưa thể thu hoạch, anh Trần Văn Vượng, trú tại xã Hạ Long huyện Vân Đồn bày tỏ, mùa bão gió đang đến, nhưng nếu cứ kéo dài không có đơn vị thu mua thì hàu sẽ tự rụng xuống biển, ngư dân coi như mất trắng, thua lỗ nặng nề, không còn khả năng để tái nuôi trồng, phục hồi sản xuất. Mặt khác anh Vượng lo ngại việc ảnh hưởng dịch Covid-19 các đơn vị thu mua cũng ép giá ngư dân. Anh mong muốn chính quyền, các ban ngành có giải pháp hỗ trợ để giúp ngư dân tiêu thụ được hàu cũng như các mặt hàng thủy sản để giảm bớt gánh nặng cho bà con nông dân.

Bên cạnh các hộ anh Bình, anh Vượng thì còn hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề nuôi biển cũng rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, tiền của đổ sông, đổ biển.

Anh Bùi Duy Bình (xã Hạ Long huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cùng với một số người bạn chung nhau nuôi 60 bè tre và 40 bè phao dây. Anh cho biết năm nay hàu đạt cả về sản lượng và chất lượng nhưng rất khó tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Trường, trú tại thôn 12, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn nuôi ghép cùng bạn bè khoảng 100ha hàu và ngao, với nguồn vốn khoảng 5 tỷ đồng từ 4 năm trước, nhưng mới chỉ được thu 1 vụ thì đã gặp phải đợt dịch bệnh kéo dài, đã 20 tháng nay ngao, hàu không có nguồn thu. Trong khi đó một vụ hàu kéo dài từ 8-9 tháng mới cho thu hoạch, nhưng giờ không bán được mà hàu khi già sẽ tự chết…

Anh Trường bộc bạch, chi phí đầu tư các thiết bị nuôi trồng hàu rất tốn kém, quá trình hàu phát triển cũng cần thường xuyên kiểm tra, trông coi. Nhưng vì giá giảm, không bán được nên bây giờ chỉ đành ngồi nhìn tài sản của mình chìm dưới biển mà không biết phải làm sao. Theo anh Trường, nếu để hòa chi phí thì giá thu mua xô phải đạt từ 6.000 đồng trở lên, còn giá hiện tại không đủ để trả tiền nhân công thì cũng chẳng thiết tha đi thu hoạch, vì càng thu càng lỗ.

Kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vân Đồn, địa phương này có khoảng trên 1.300 hộ nuôi trồng, sản lượng đạt từ 300.000 tấn/năm. Trước đây các sản phẩm hàu được xuất khẩu sang thị trường một số nước hoặc các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên năm 2020 đến nay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 việc xuất khẩu hàu gặp nhiều khó khăn. Đối với thị trường nội địa những tháng gần đây các thị trường lớn đang áp dụng giãn cách xã hội do vậy việc đưa hàng vào các tỉnh này rất hạn chế.

Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn thông tin, huyện có trên 30 cơ sở chế biến hàu xuất khẩu và cung ứng ra thị trường, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay nguồn cung đang vượt cầu nên rất khó khăn để tiêu thụ. Phòng đã tuyên truyền vận động bà con chủ động thu hoạch hàu cùng các giống thủy sản nuôi trồng khác để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra theo ông Ninh trong thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu để có kế hoạch về diện tích nuôi trồng thủy, hải sản cân đối hơn, hạn chế việc cung vượt cầu. Đồng thời tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp với ngư dân để tạo thành chuỗi liên kết khép kín trong tiêu thụ. Ông Ninh cũng khẳng định chỉ có làm tốt công tác phòng, chống, đẩy lùi được dịch Covi-19 thì các hoạt động mới trở lại bình thường được.

Các cơ sở thu mua hàu tại Vân Đồn bình quân từ 1,5-2 tấn/ngày, giảm nhiều lần so với những năm trước.

Chị Vũ Thị Thu, trú tại xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) tiểu thương thu mua hàu thường tiêu thụ ở nội địa thông tin, như các năm trước mỗi ngày cơ sở của chị mua cho ngư dân hàng chục tấn hàu vỏ, sau đó thuê nhân công tách vỏ, chuyển đến các thị trường trong nước. Song năm nay mỗi ngày chỉ mua vào khoảng 1,5-2 tấn. Hàu sau khi thu mua được tuyển lựa phân thành các loại khác nhau nhưng giá bán cũng không cao. Ước tỉnh khoảng 10kg hàu vỏ mới cho 1kg hàu ruột, nhưng giá bán cũng chỉ từ 60.000 đồng/1 kg ruột, đã bao gồm cả chi phí nhân công, vật liệu, cước vận chuyển... nên chỉ lấy công làm lãi. Chị Thu cho biết, cơ sở cũng muốn mua cho ngư dân nhưng ngặt nỗi không có thị trường, nên không dám mua vào nhiều, nhất là hàu vỏ thời gian bảo quản không được lâu.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ riêng mặt hàng hàu mà còn nhiều sản phẩm nông, thủy sản của người dân rơi vào tình trạng mất giá, không tiêu thụ được. Sau khi nắm bắt tình hình, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến cuối năm 2021.

Dự kiến trong tháng 9, Quảng Ninh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ giữa các tổ chức sản xuất sản phẩm thủy sản với hệ thống quản lý các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, trao đổi cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã và hướng dẫn hồ sơ trình tự, thủ tục khi đưa các sản phẩm thủy sản vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; tổ chức tuần tiêu thụ sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) bằng các hình thức linh hoạt; liên kết với các sàn giao dịch thương mại, điện tử…kết nối với các bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ quan, các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh và các khu công nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp lớn (xi măng, điện,...); trao đổi với các tỉnh/thành phố lân cận để kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho ngư dân trong tỉnh.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang