Quảng Ninh phát huy giá trị văn hóa biển, đảo

08:34 12-02-2022

VBĐVN.vn - Trong số 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Quảng Ninh thì có tới 4 lễ hội gắn liền với biển và không gian văn hóa biển, đảo.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ những lễ hội này luôn được Quảng Ninh quan tâm, góp phần giáo dục người dân về niềm tự hào dân tộc và tình yêu với biển, đảo quê hương.

Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250km, không gian biển rộng lớn với hơn 2.000 hòn đảo, là môi trường để hình thành nền văn hóa biển, đảo đặc sắc, đa dạng. 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh gồm: Lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Lễ hội Tiên Công (Quảng Yên), Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), Lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn). Ngoài ra, còn có Lễ hội đình-nghè Cẩm Hải (Cẩm Phả), Lễ hội đình làng My Sơn (Hải Hà)... Có thể thấy, các vùng giáp biển và trên các đảo của Quảng Ninh đều có những lễ hội về biển. Những lễ hội này đều mang giá trị tưởng nhớ tiền nhân, là nơi tập hợp các phong tục, tập quán truyền thống, thích ứng với thiên nhiên, nơi thể hiện trách nhiệm và tình yêu biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.

Hội đua thuyền truyền thống tại Lễ hội đình Trà Cổ năm 2021.

Có thể thấy, hoạt động tín ngưỡng để nhân dân bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng của địa phương, của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử thể hiện qua hầu hết các lễ hội. Hội đình Trà Cổ, nơi mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển Đông Bắc, được người dân địa phương duy trì hằng năm để tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng, các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất hoang, mở làng. Cụm di tích đình, miếu, nghè, chùa Quan Lạn hiện là nơi thờ phụng 3 vị tướng tài của triều Trần là Phạm Công Chính, Phạm Thuần Dụng và Phạm Quý Công, đã anh dũng hy sinh trong trận chiến trên biển với quân đội phương Bắc xâm lược năm 1288. Còn đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên (Vân Đồn) thì gắn liền với danh tướng Trần Quốc Tảng và các chiến công của quân, dân nhà Trần để bảo vệ vùng biển Bái Tử Long-Hạ Long, giúp nhân dân yên tâm lao động, sinh sống.

Các lễ hội còn là tập hợp các phong tục, tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng... được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện thiên nhiên đặc thù, khai thác nguồn lợi từ biển khơi, cùng nhau bám biển hiệu quả, bảo vệ ngư trường, giữ vững chủ quyền biển, đảo... Biểu hiện rõ nét nhất chính là những bài ca dao, điệu hát dân ca bình dị nhưng độc đáo, giàu bản sắc vẫn được lưu truyền đến ngày nay, như: Hát nhà tơ-hát múa cửa đình ở Vạn Ninh (Móng Cái), hát giao duyên của ngư dân trên vịnh Hạ Long, hát đúm ở Hà Nam (Quảng Yên), hò biển ở Vân Đồn...

Để phát huy các giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể này, hiện nay, Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn, phục dựng, bảo tồn gắn với khai thác du lịch. Ngoài các hoạt động thuộc chính hội, Quảng Ninh hiện đang khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa biển, đảo như: Một ngày làm ngư dân trên biển vịnh Hạ Long; khám phá đảo Quan Lạn (Vân Đồn); hành trình biển, đảo quê hương ở Cô Tô; trải nghiệm làng chài ven biển; các lễ hội truyền thống tại Trà Cổ, Vạn Ninh (Móng Cái)... Các sản phẩm này đều được du khách yêu thích, có thể trở thành sản phẩm thu hút du khách đến từ các thị trường khách chất lượng cao.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang