Quy định hoạt động lấn biển bảo đảm phát triển bền vững
VBĐVN.vn - Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển với quan điểm thống nhất, bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; phân tích, đánh giá đầy đủ chi phí lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường nhằm phát triển bền vững; bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ, cụ thể, khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành và 28 địa phương có biển để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, nhất là thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển, đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển…
Dự thảo Nghị định quy định hoạt động về lấn biển gồm 4 chương, 19 điều, quy định khu vực lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ trên nền bản đồ địa hình đáy biển và phải được điều tra, khảo sát kỹ khi lên phương án lấn biển. Đặc biệt, Dự thảo đã liệt kê một loạt các khu vực không được thực hiện lấn biển nhằm đảm bảo môi trường sinh thái, quy hoạch đô thị, giao thông, an ninh quốc phòng; đồng thời quy định rõ về thẩm quyền cấp Giấy phép lấn biển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ cơ sở pháp lý, thực tiễn triển khai các dự án lấn biển thời gian qua để hoàn thiện dự thảo Nghị định trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp gắn với các tiêu chí chặt chẽ và cơ chế kiểm soát, giám sát thực hiện; bảo đảm chặt chẽ, tương thích với các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, môi trường biển…
Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Nghị định là các quy định về quản lý, sử dụng đất lấn biển. Về quản lý, Dự thảo Nghị định quy định UBND cấp tỉnh xác định, chỉ đạo đưa khu vực lấn biển vào phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Sau khi khu vực biển đã được đưa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì việc quản lý, sử dụng đất lấn biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về sử dụng đất lấn biển, Dự thảo Nghị định quy định rõ, trường hợp giao đất, cho thuê đất lấn biển đối với dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì UBND cấp tỉnh thực hiện giao đất cho tổ chức được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công để quản lý trong thời gian thực hiện lấn biển, xây dựng công trình hạ tầng công cộng (nếu có). Sau khi hoàn thành lấn biển và được nghiệm thu theo quy định, tổ chức được giao đất quản lý phải bàn giao toàn bộ diện tích đất lấn biển cho UBND cấp tỉnh để thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào từng mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các quy định về lấn biển hiện có tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10-2-2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Nghị định này quy định nguyên tắc nhà đầu tư lấn biển được tiếp tục sử dụng đất lấn biển theo quy định của pháp luật đất đai, tức là giao đất, cho thuê đất sau khi hoàn thành, nghiệm thu lấn biển. Tuy nhiên, việc này còn khiến nhiều địa phương, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án lấn biển như: kéo dài thời gian giao đất, cho thuê đất, kéo dài thời gian chuẩn bị; chậm đưa nguồn lực đất đai vào sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội; chi phí lấn biển chưa được đưa vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận