Tháo “nút thắt” phí vận tải biển
VBĐVN.vn - Vượt lên những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong 10 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước tính đạt 587 triệu tấn (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, vận tải biển còn đối mặt với không ít khó khăn, có thể ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Bắc Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài khi các hãng tàu này đảm nhận tới 95% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Chính sách giá cước, các loại phụ thu cũng do hãng tàu nước ngoài quyết định, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro khi thị trường vận tải biến động.
Từ đầu năm đến nay, các hãng tàu biển đồng loạt tăng cước vận chuyển lên 2 - 3 lần, thậm chí 6 - 7 lần ở một số chặng, nhưng doanh nghiệp vẫn không đặt được tàu và container để xuất khẩu và vận chuyển nguyên liệu về Việt Nam phục vụ chế biến hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, mỗi hãng tàu còn áp 3 - 5 loại phụ phí. Các loại phụ phí này được đưa ra mà không có sự thỏa thuận với khách hàng, không có thời điểm kết thúc...
Dù Bộ Giao thông vận tải cho biết, giá cước của Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu tương đương với giá của các nước trong khu vực, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, giá cước vận tải container tăng cao đang gây bất lợi cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Với hệ thống cảng nước sâu có thể đi thẳng thị trường châu Âu, châu Mỹ, sản lượng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và có tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong khu vực. Các doanh nghiệp khai thác cảng biển dự báo, tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn khởi sắc trong những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát, các hiệp định thương mại tự do được thực hiện toàn diện, hiệu quả.
Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là các hãng tàu kịp thời điều chỉnh bổ sung container rỗng và bổ sung tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất, nhập khẩu của thị trường Việt Nam.
Song song với đó, ngành vận tải cần xây dựng các giải pháp vận tải hàng hóa phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh phân theo mức độ kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương, bảo đảm chủ động điều phối lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, cũng như đến các cảng biển để xuất, nhập khẩu.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư miễn giảm một số khoản phí, lệ phí của doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất Chính phủ phương án quản lý giá cước, phụ thu giá vận tải tại Việt Nam. Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị đưa danh mục phụ thu ngoài giá cước thuộc đối tượng kê khai giá, thay vì chỉ niêm yết như hiện nay và quy định chi tiết nội dung niêm yết giá cước trên từng tuyến và các loại phụ thu, thời gian niêm yết, giải thích lý do thu các loại phụ thu, thời gian bắt đầu thu và kết thúc thu.
Để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa để hoạt động hàng hải thông suốt, duy trì hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh; kiên quyết loại bỏ những phát sinh chi phí trong hoạt động vận tải biển.
Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải cần điều chỉnh các chiến lược, đề án quy hoạch phát triển ngành hàng hải đến năm 2030, bảo đảm đáp ứng với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đặc biệt tập trung khẩn trương thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua đến năm 2030 trên 1.140 triệu tấn hàng hóa, trong đó, hàng container từ 38-47 triệu TEU.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận