Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc

10:25 22-07-2024

VBĐVN.vn - Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư là một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hầu hết các bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn nghệ sĩ, đại biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Việc xây dựng các hệ giá trị chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Nói về sự quan tâm và những đóng góp của Tổng Bí thư với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, bà Trần Thị Thu Đông, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: Từ những ngày đầu mới thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận rất quan trọng của cách mạng là chính trị, kinh tế và văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của văn hóa và trọng trách của người làm công tác quản lý văn hóa đối với việc tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới… đồng thời khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Các tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa đã trở thành “Ngọn đuốc sáng”, “Kim chỉ nam” cho việc xây dựng các chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những giai đoạn về sau.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phát triển kinh tế phải hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ nhằm mục tiêu tối thượng là phục vụ đời sống của con người Việt Nam; văn hóa cần được khai thác như động lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế, phải được đặt ngang hàng và tương xứng với chính trị và kinh tế; văn hóa và kinh tế có sự tác động biện chứng với nhau, trong đó, kinh tế không thể phát triển nếu không có nền tảng văn hóa, đồng thời văn hóa không chỉ phản ánh kinh tế mà còn là nhân tố tác động đến sự phát triển kinh tế”.

Cách đây vừa tròn một năm, trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: “Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người, còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”. Để khắc phục những hạn chế này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các văn nghệ sĩ cần cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, "tự soi, tự sửa".

Bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, trải qua nhiều cương vị công tác, qua các thời kỳ, những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự am hiểu tường tận của người đứng đầu Đảng ta về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, truyền thống lịch sử bao đời của dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, của từng lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học - nghệ thuật. Nói đến vai trò của văn hóa, hay cụ thể hơn văn học - nghệ thuật là “tiếng nói của tình cảm”, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ”.

“Bên cạnh tầm văn hóa, chiều sâu tư duy văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.

Phương Hà

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang