Tổng kết Chương trình trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu KHCN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển
VBĐVN.vn - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển” (KC.09/16-20).
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhấn mạnh: Chương trình KC.09 trong nhiều năm là một chương trình khoa học công nghệ (KHCN) vô cùng quan trọng trong việc phát triển KHCN Biển, phát triển đội ngũ các nhà khoa học, các hướng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển. Với vai trò liên ngành và đa ngành, hướng nghiên cứu biển luôn đóng vai trò quan trọng và luôn là thế mạnh của Viện Hàn lâm. Từ khi thành lập, giai đoạn 1975-2005, Nhà nước đã giao cho Viện Hàn lâm tổ chức thực hiện 6 chương trình nghiên cứu biển kế tiếp nhau, mỗi chương trình kéo dài 5 năm. Viện Hàn lâm còn chủ trì và tham gia nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình Biển Đông – Hải đảo và nhiều đề tài dự án độc lập cấp nhà nước về biển và vùng bờ biển, chủ trì thực hiện các dự án trong Đề án Tổng thể 47 về tài nguyên và môi trường biển. Từ 2006 đến nay, Viện Hàn lâm đã tiếp tục đóng góp một phần khiêm tốn của mình vào sự thành công chung của các chương trình nghiên cứu biển. Hội nghị Tổng kết Chương trình KC.09 được diễn ra tại Viện Hàn lâm cũng là sự ghi nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị, các nhà khoa học khối KHCN biển đối với những đóng góp này.
Chương trình KC.09 được xây dựng với các mục tiêu: (1) Hoàn thiện các luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về biển phục vụ đảm bảo an ninh, an toàn trên vùng biển, góp phần bảo vệ chủ quyền các vùng biển và hải đảo của Việt Nam; (2) Đề xuất các giải pháp hiệu quả trong khai thác sử dụng, phục hồi nguồn lợi tài nguyen vùng biển và hải đảo, phát triển các mô hình quy hoạch quản lý sử dụng không gian đới bờ, vùng biển và hải đảo xa bờ; (3) Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo tai biến tự nhiên, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường. Mặc dù có khó khăn trong quá trình nghiên cứu nhiệm vụ, đặc biệt là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 kéo dài ở giai đoạn cuối của chương trình, hầu hết đề tài, dự án được nghiệm thu, nhiều sản phẩm được thương mại hóa.
Sau hơn 5 năm, các đề tài thuộc Chương trình KC.09 nghiệm thu cấp quốc gia 37/41 nhiệm vụ; 80% các kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tiễn; các giải pháp hữu ích, sở hữu trí tuệ được công nhận chiếm 17%. Ngoài ra, 163 bài báo trong nước và 76 bài báo quốc tế có được từ kết quả nghiên cứu của các đề tài và số đề tài có công bố quốc tế đạt 100%.”
Hội nghị đã ghe các báo cáo kết quả nghiên cứu về: "Nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao từ nguồn lợi hải sản Việt Nam" của TS. Trần Quốc Toàn (Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Lĩnh vực Tài nguyên môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai: Báo cáo "Ứng dụng công nghệ tiên tiến xây dựng mô hình dự báo việc hình thành và hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông hạn 03 ngày" của GS.TS Trần Tân Tiến (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội); Lĩnh vực Đảm bảo an ninh trật tự, ổn định dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên các đảo Việt Nam: Báo cáo "Những vấn đề an ninh trật tự trên các đảo Việt Nam: cơ sở khoa học và thực tiễn" của Trung tướng. PGS.TS. Trần Vi Dân (Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an).
KC.09 là một chương trình có tính thực tiễn và được đánh giá cao bởi sự nỗ lực lớn của các nhà khoa học tham gia chương trình này. Các mô hình, công nghệ và đặc biệt là việc khai thác, nuôi trồng, chế biến nguồn lợi sinh vật, giải pháp công trình giảm thiểu sói lở bờ biển cần được áp dụng vào thực tế nhiều hơn
Trong giai đoạn 2021-2025, ông Lê Quang Thành – Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên đề xuất xây dựng khung Chương trình với các mục tiêu: xác lập cơ sở và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; cung cấp các luận cứ khoa học phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong cảnh báo và dự báo tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Theo monre.gov.vn (Bộ TN&MT)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận