Từ tập tục, truyền thống đến “văn hóa biển”

22:15 04-03-2021

Động tác chào

Khi quân nhân gặp cấp trên, gặp nhau, đón tiếp khách và thực hiện một số nghi lễ khác nhau đều phải đưa tay lên để chào. Điều này có trong quy định của hầu hết lực lượng vũ trang các nước và chào là để thể hiện sức mạnh của tính kỷ luật, tính chính quy.

Cán bộ, thủy thủ Tàu 016-Quang Trung chào tàu đại biểu trong lễ duyệt binh trên biển do Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga tổ chức nhân dịp kỷ niệm 323 năm Ngày truyền thống Hải quân Nga (Tháng 7-2019). Ảnh Vũ Hưởng

Nhưng động tác ban đầu giống như chào nhau lại chưa mang ý nghĩa ấy. Một trong nhiều giả thuyết cho rằng động tác này xuất phát từ thời La Mã cổ đại: Khi đội quân của hai bên dàn trận, sứ giả hoặc vị chỉ huy của mỗi bên sẽ lên trước hàng quân. Cả hai cùng nâng phần che mặt gắn với mũ giáp của mình lên để đối phương nhận ra mình. Tùy theo uy tín của mỗi người mà người chỉ huy phía đối địch sẽ quyết định “đàm” hay “đánh”.

Cho đến ngày nay, động tác này đơn thuần chỉ là nghi thức khẳng định sự tôn trọng lẫn nhau trong lực lượng vũ trang. Thủ tục chào khi gặp nhau trên biển cũng được máy bay, tàu hải quân các nước ASEAN áp dụng (Hello ASEAN).

Yếm áo của thủy thủ Hải quân

Bộ quân phục chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam thật đẹp trong mắt của rất nhiều người. Quân phục được phân làm hai mùa. Mùa hè áo trắng, quần xanh; mùa đông áo xanh, quần xanh nhưng dù là mùa nào thì quân phục cũng có yếm áo. Yếm ngực hình tam giác đính nhiều sọc trắng. Yếm vai hình vuông cũng có ba sọc trắng. Nguồn gốc của chiếc yếm vai của thủy thủ tưởng như chỉ để trang trí ấy hóa ra lại là ý tưởng hiệu quả từ thực tiễn.

Áo yếm mùa hè của chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trọng Thiết

Theo tìm hiểu của độc giả Minh Ngọc, người từng là sinh viên Học viện Hải quân Liên bang Nga: Yếm áo ra đời ở châu Âu, nơi nghề đi biển hình thành rất sớm. Ngày xưa, thủy thủ ít được tắm nhưng lại để tóc dài, lâu ngày sinh chấy rận và vướng víu cho làm việc. Vì vậy, họ tết tóc lại và lấy hắc ín, nhựa cây bôi lên tóc. Nhưng làm như vậy sẽ nhanh bẩn lưng áo vì thời đó áo dệt bằng sợi bông/lanh nên người ta may cổ áo kéo dài ở sau lưng để tránh nhựa từ tóc làm bẩn áo. Khi hải quân châu Âu cho may quân phục thủy binh vẫn giữ nguyên kiểu yếm áo này, chỉ bổ sung thêm các sọc trắng để trang trí.

Đập rượu vào thành tàu khi hạ thủy

Khi hạ thủy tàu, một người giơ cao chai rượu sâm banh, cổ chai có buộc một sợi dây, dùng sức ném để chai rượu đập vào thành tàu, chai vỡ và rượu chảy ra. Sau đó, chiếc tàu mới được hạ từ từ trên đòn trượt để xuống nước và bắt đầu chuyến đi biển đầu tiên của nó.

Tục lệ này có từ thời xưa ở phương Tây. Đi biển là một nghề cực kì nguy hiểm, luôn luôn tiềm ẩn nhiều tai nạn. Mỗi khi gặp tai nạn, người trên tàu chỉ còn có thể viết giấy báo nạn, bỏ tờ giấy vào một cái chai, đậy kín lại và ném xuống biển với hy vọng rằng cái chai sẽ trôi qua một chiếc tàu nào khác hay dạt vào bờ biển, được người ta nhìn thấy rồi nhờ đó mà sẽ có người đến cứu.

Với mong muốn giải trừ điều bất hạnh đó, mỗi khi hạ thủy một chiếc tàu mới, người ta lại cho đập một chai rượu vào mũi tàu với hy vọng con tàu mới sẽ thuận buồm xuôi gió, vạn sự hanh thông. Nghi lễ này vẫn còn được lưu lại đến ngày nay.

Nghi lễ vượt qua đường xích đạo

Đường xích đạo đi ngang qua lãnh thổ và lãnh hải của 14 quốc gia nhưng chỉ có một thành phố duy nhất nằm giữa hai nửa bán cầu Bắc và Nam là thành phố Pontianak, thủ phủ miền Tây Kalimantan của Indonesia. Khi đến Đài tưởng niệm Xích đạo của thành phố, du khách được tham quan và được cấp giấy chứng nhận đã vượt qua đường xích đạo.

Thủy thủ tàu buồm Lê Quý Đôn thực hiện nghi lễ uống nước biển khi qua đường xích đạo. Ảnh: Vũ Hưởng

Còn lễ vượt qua đường xích đạo biển truyền thống bắt nguồn từ Pháp, Bồ Đào Nha, Italia. Lễ được thực hiện vào ngày con tàu vượt qua xích đạo gọi là Ngày Neptune, được chủ trì bởi Thần Neptune do một chỉ huy đã từng vượt xích đạo biển nhiều lần đảm trách. Lễ giống như một lễ nhập môn mà người mới phải trải qua nhiều thử thách khó khăn, hài hước. Khi đã vượt qua các thử thách thành công, người mới được kết nạp vào vương triều Neptune và được cấp chứng chỉ đã vượt qua đường xích đạo biển.

Mục đích của lễ là lưu giữ truyền thống đi biển cổ xưa; xác nhận, vinh danh khả năng can trường của người thủy thủ. Bên cạnh đó là để tạo không khí giải trí sau những chuyến hải hành lâu dài, gian khổ.

Tặng lợn sữa quay cho lính tàu ngầm

Hải quân Nga có truyền thống tặng một con lợn sữa quay cho kíp tàu ngầm vừa trở về cảng, bất kể đó là nhiệm vụ tuần tra chiến đấu hay thử nghiệm khí tài mới. Phong tục này được cho là có từ thời Thế chiến thứ 2, bắt nguồn từ Hạm đội Phương Bắc.

Vào năm 1942, có một tàu ngầm do Thuyền trưởng cấp 2 Utkin chỉ huy chuẩn bị ra khơi. Ông gặp gỡ người bạn của mình là Thuyền trưởng cấp 3 Modenko trên bến cảng. Họ kể về sự nguy hiểm của công việc, niềm tự hào được làm lính tàu ngầm. Trước khi rời đi, Utkin yêu cầu bạn mình chuẩn bị một con lợn sữa quay nếu ông chiến thắng trở về. Thuyền trưởng Modenko chấp nhận yêu cầu. Khi Utkin hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn, ông cùng thủy thủ đoàn đã được chào đón theo đúng yêu cầu. Sau này, truyền thống ấy được áp dụng cho toàn bộ Hải quân Nga.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Nguồn:baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang