Tự tin nuôi biển với lồng HDPE

07:43 18-12-2023

VBĐVN.vn - Những năm gần đây, nhiều người nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa đã chuyển sang lồng HDPE thay thế lồng nuôi bằng gỗ nhằm đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả kinh tế.

Ngư dân tự tin hơn khi nuôi biển bằng lồng HDPE so với lồng gỗ truyền thống. Ảnh: Kim Sơ.

Nhiều ngư dân chuyển sang lồng HDPE

Từ những thiệt hại nặng nề do cơn bão Damrey gây ra vào năm 2017, người nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa đã ý thức được việc chuyển đổi từ lồng nuôi bằng gỗ truyền thống sang lồng nuôi chống chịu cao hơn với bão nhằm bảo vệ tài sản của mình.

Trước trăn trở của người dân, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã nghiên cứu, đặt vấn đề thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi biển bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy trên địa bàn tỉnh. Sau đó, dự án này đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chấp thuận phê duyệt.

Anh Trần Ngọc Sỹ ở thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là một trong những hộ được dự án hỗ trợ chuyển đổi sang lồng HDPE để nuôi cá biển. Lồng có đường kính 10m, thể tích khoảng 500m3. Nếu nuôi cá bớp trung bình thả 2.500 con/lồng, sau 8 tháng nuôi sẽ thu hoạch khoảng 9 tấn.

Tuy nhiên anh Sỹ cho biết những năm gần đây anh chủ yếu nuôi cá chim vây vàng, trung bình thả 7.000 con, sau hao hụt còn khoảng 5.500 con/lồng. Mỗi năm anh thả nuôi 3 lứa, với giá bán dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng/lồng (tùy thời điểm).

Anh Sỹ đánh giá, kỹ thuật nuôi cá bằng lồng HDPE không khác gì mấy so với nuôi bằng lồng gỗ. Lồng nuôi đường kính 10m vừa phải, phù hợp với nông hộ. Việc thao tác chỉ cần 2 người dùng tay kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá thu hoạch, không cần máy móc cầu kỳ.

Thời gian qua, cơ quan chuyên môn đã triển khai nhiều mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE cho ngư dân Vạn Ninh. Ảnh: Kim Sơ.

“Lồng HDPE nuôi cá lợi nhân công, thời gian cho ăn ngắn hơn, diện tích rộng, nuôi được nhiều hơn và yên tâm hơn khi mùa gió bão”, anh Sỹ chia sẻ và cho biết thêm, với hiệu quả mang lại, hiện gia đình anh đã nhân rộng thêm 1 lồng tròn HDPE (với đường kính 10m). Ngoài ra, sắp tới anh sẽ đầu tư thêm 2 lồng HDPE nữa để mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí sửa bè và thích ứng với thiên tai.

Tương tự, anh Trương Văn Chinh ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng được dự án hỗ trợ lồng HDPE với đường kính 10m. Qua thời gian nuôi, anh cho biết lồng HDPE mang lại đa lợi ích so với lồng gỗ truyền thống. Theo đó, ngoài chịu sóng gió tốt hơn, lồng HDPE rộng lớn, có thể nuôi tại các vùng xa bờ - nơi có chất lượng nước tốt, vì vậy cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao hơn so với lồng gỗ.

Hiện gia đình anh Chinh đã có 3 lồng HDPE, chủ yếu nuôi các loại cá biển như chim vây vàng, hồng Mỹ, bớp. Ngoài ra, hiện anh còn 500 lồng gỗ, quá trình chuyển đổi sang lồng HDPE sẽ được gia đình thực hiện theo từng giai đoạn, bởi kinh phí còn hạn chế.

Thân thiện với môi trường

Ông Nguyễn Xuân Hòa (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) cho biết, gia đình ông đang chuyển dần sang lồng HDPE để thay thế các bè nuôi bằng gỗ. Đến nay, ông có 8 lồng vuông HDPE với kích thước 4x4m và 2 lồng tròn với thể tích 500m3/lồng.

Theo ông Hòa, sau một thời gian chuyển đổi, ông nhận thấy lồng HDPE nuôi được đa đối tượng như cá chim vây vàng, cá mú, cá bớp và tôm hùm rất hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Lồng vuông HPDE có diện tích bằng lồng gỗ truyền thống, gia đình nuôi với mật độ khoảng 500 con cá/lồng nhưng tỉ lệ nuôi đảm bảo an toàn, hiệu quả, năng suất cao hơn lồng gỗ truyền thống khoảng 30%”, ông Hòa bày tỏ. Đối với các lồng tròn, ông sử dụng để nuôi cá chim vây vàng, cá bớp. Mỗi lồng thu hoạch khoảng 7 - 8 tấn cá thương phẩm, trọng lượng 0,5 - 0,6kg/con.

Ông Phạm Ngọc Luyện, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa triển khai mô hình lồng HDPE có khả năng chống chịu với gió bão tốt hơn, giúp bảo vệ tài sản của ngư dân.

Ưu điểm lồng HDPE là nằm độc lập, giúp vùng nuôi thông thoáng hơn, tạo môi trường nuôi tốt hơn so với các bè nuôi kết từ hàng chục ô lồng với nhau. Hơn nữa, nhựa HDPE được đánh giá thân thiện với môi trường, có độ bền và khả năng chống chịu tốt hơn với sóng gió nên có thể đặt nuôi ở vùng biển hở, xa bờ giúp đàn cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn, nâng cao được tỉ lệ sống.

Với lợi ích kinh tế và tính bền vững, địa phương luôn khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE, dần chuyển đổi phương thức nuôi lồng gỗ truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra.

Theo ông Phương Minh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, sau khi triển khai mô hình lồng nuôi HDPE trên địa bàn huyện Vạn Ninh, người nuôi đều đánh giá mang lại hiệu quả tích cực.

Ngoài lợi ích bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng, mô hình còn giúp người nuôi tự tin mỗi khi có mưa bão, sóng lớn. Đặc biệt, lồng nuôi thông thoáng, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, cũng như giúp năng suất cá tăng lên đáng kể.

Năng suất nuôi cá trong lồng HDPE có thể đạt từ 15kg cá/m3, trong khi nuôi lồng gỗ chỉ dưới 10kg/m3. Hơn nữa, độ bền của lồng HDPE cũng như tổng chi phí trong một chu kỳ nuôi đến khi lồng hỏng vẫn rẻ hơn lồng gỗ.

Kim Sơ - Phương Chi (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang