Vấn đề Biển Đông trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020
Nếu xét từ bối cảnh môi trường quốc tế biến động và ngày càng phức tạp như hiện nay, hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020 cũng có nghĩa là đảm nhận trọng trách đưa ASEAN vượt qua những thách thức không hề nhỏ. Trong một loạt vấn đề trọng tâm mà ASEAN chú trọng, vấn đề Biển Đông là nội dung thu hút sự chú ý của dư luận và quan điểm lập trường cũng như hướng giải quyết của Việt Nam đã được nhiều chuyên gia phân tích, dự đoán.
Kinh nghiệm, mục tiêu…
Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực.
Việt Nam đã có Năm Chủ tịch ASEAN 2010 thành công trong tất cả các lĩnh vực, được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao; thành công trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và đạt nhiều kết quả trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021. Việt Nam đã chủ động đi đầu trong các nội dung có lợi thế và kinh nghiệm như hợp tác viễn thông, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển… Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, minh họa rõ nét nhất về sự tham gia tích cực của Việt Nam là Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Thực hiện vai trò này, mỗi tuần, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN có kế hoạch chủ trì 2-3 cuộc họp định kỳ cấp Đại sứ và 3-4 cuộc họp cấp nhóm công tác theo từng vấn đề và các cuộc họp bất thường để xử lý các vấn đề nảy sinh. Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình, Phái đoàn cần thường xuyên thông tin và phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN Quốc gia của Việt Nam, các cơ quan chuyên ngành trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước để chuẩn bị kỹ nội dung cho mỗi cuộc họp và lập trường cho từng vấn đề, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Đồng thời, duy trì tham vấn, chia sẻ và phối hợp lập trường để bảo đảm đạt được đồng thuận trong rất nhiều vấn đề giữa Phái đoàn Việt Nam với Phái đoàn các nước thành viên ASEAN và Phái đoàn các nước đối tác tại Jakarta, Indonesia.
Việt Nam đang nỗ lực hành động để đạt được 3 thành công lớn trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Thành công về nội dung; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; và thành công trong quảng bá hình ảnh, bản sắc, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng.
Phát biểu tại lễ ra mắt mắt Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 (tháng 12-2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
… và điểm nhấn
Vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đã nổi lên mạnh mẽ tại các hội nghị cấp cao của ASEAN thời gian gần đây. Giới chức ngoại giao ASEAN chia sẻ rằng vòng đầu tiên của 3 vòng đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được kỳ vọng hoàn thiện trong năm 2019 (mục tiêu là hoàn tất COC trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2019). Các vấn đề khó đạt được sự đồng thuận hơn, trong đó có việc liệu tài liệu này có mang tính pháp lý hay không và có bao hàm toàn bộ khu vực tranh chấp hay không, sẽ được đưa vào thảo luận ở các vòng cuối cùng để tránh làm bế tắc đàm phán ở ngay vòng đầu tiên.
Nhiệm vụ tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông có thể sẽ đè nặng lên vai Việt Nam, Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Theo giới phân tích, ngoài biện pháp can dự trực tiếp thông qua ngoại giao, đàm phán…, Việt Nam nên có cách tiếp cận can thiệp gián tiếp, theo đó, đa phương hóa vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ đối thoại ASEAN-Trung Quốc và vào việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới COC mới. Sự can dự gián tiếp này được nhìn nhận rộng rãi là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành chiến lược tổng thể của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông.
Trên thực tế, tất cả 10 nước thành viên ASEAN đã tham gia đàm phán và ký kết DOC vào năm 2002 và tất cả các nước này cũng đã đạt được sự đồng thuận trong việc thúc đẩy đàm phán COC với Trung Quốc nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình và hợp tác trong khu vực. Trong khi làm việc hướng tới COC, Việt Nam vẫn coi DOC 2002 là một trong những văn kiện quan trọng nhất (bên cạnh Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982) để điều chỉnh hành vi của các bên ở Biển Đông, bất chấp thực tế rằng đó là một văn kiện chính trị và không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Tóm lại, Việt Nam sẽ phải dựa vào các yếu tố cân bằng cứng và cân bằng mềm trong chiến lược của mình, từ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông đến gia tăng hoạt động truyền thông, sử dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền hàng hải của mình và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Năm 2020 sẽ rất quan trọng đối với tiến trình đàm phán COC được thiết lập trong vòng 3 năm và đối với tương lai của Biển Đông. Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 và với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, có nhiều cơ hội để đề xuất những cách tiếp cận phù hợp trong các cuộc đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN. Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ cần tập trung vào việc đặt nền tảng và hài hòa các tiêu chuẩn để xây dựng sự đồng thuận và thống nhất trong ASEAN. Nhiều chuyên gia thế giới tin rằng, Việt Nam có thể làm tốt vai trò quan trọng đó.
Hồng Ngọc (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận