Việt Nam chủ động tham gia giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương

10:50 02-07-2021

VBĐVN.vn - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động tham gia xây dựng và đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương với các nội dung trên. Đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới và nội dung Đề án này.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia xây dựng và đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Chống rác thải nhựa đại dương (ảnh minh họa).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chủ trì, chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu kinh nghiệm, bài học của các quốc gia có nền kinh tế biển phát triển mạnh trên thế giới và các quốc gia có điều kiện tự nhiên, môi trường, địa lý tương tự với Việt Nam trong khu vực; từ đó đánh giá, phân tích các bài học kinh nghiệm của các quốc gia, xem xét tính phù hợp để áp dụng vào Việt Nam. Bên cạnh đó Bộ TN&MT đã kết hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Đề án; tổ chức các đoàn điều tra, khảo sát để tổng hợp, đánh giá về tình hình rác thải nhựa đại dương tại một số địa phương có biển như Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…

Về quan điểm: gồm 02 quan điểm: (i) Thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả; (ii) Bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam; tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ quốc tế trong quá trình tham gia xây dựng và đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các nghĩa vụ quốc tế liên quan trong quá trình đàm phán.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của Đề án là đảm bảo đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực tham gia đàm phán, đảm bảo quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Mục tiêu cụ thể: (a) Chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán; tổng hợp thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm phán; bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính, phương tiện cho đàm phán; (b) Thiết lập cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị và đàm phán; (c) Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia đối với khu vực và quốc tế trong các nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương; đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Về nhiệm vụ: Gồm 06 nhiệm vụ chính: (i) Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; (ii) Thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; (iii) Bố trí nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác đàm phán; (iv) Thiết lập cơ chế điều phối; (v) Trao đổi phối hợp với các đối tác nước ngoài và huy động hỗ trợ trong nước, quốc tế; (vi) Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia.

Văn Nam (theo vasi.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang