Chống rác thải nhựa đại dương:

Bài 2 - Thay đổi tư duy, hành động

18:19 28-05-2023


VBĐVN.vn - Đầu tháng 6-2023 sẽ diễn ra nhiều hoạt động vì môi trường, khởi động Tháng Hành động vì môi trường, với Tuần lễ Biển và Hải đảo từ ngày 1 đến 8-6, Ngày Môi trường thế giới 5-6, Ngày Đại dương thế giới 8-6. Chủ đề nổi bật của các hoạt động này là “Chống rác thải nhựa gắn với bảo vệ biển và đại dương và môi trường”.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Gấm, Trưởng phòng Chính sách và Pháp chế - Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để làm rõ hơn công tác phòng, chống rác thải nhựa biển ở nước ta.

Phóng viên (PV): Thưa bà Phạm Thị Gấm, bà đánh giá như thế nào về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các vùng biển nước ta hiện nay?

Bà Phạm Thị Gấm: Từ thực tiễn ngành nhựa cho thấy, trong những năm qua tăng trưởng từ 16 đến 18% mỗi năm, cũng như tình trạng sản xuất túi nilon khó phân hủy rất lớn tại các làng nghề ở Việt Nam đã dẫn đến lượng rác thải nhựa tăng rất nhanh. Theo thống kê gần nhất của Cục Biển và Hải đảo, nếu như năm 2009, lượng rác thải nhựa chỉ chiếm 5,5% trong chất thải sinh hoạt thì đến năm 2017 đã lên đến gần 14 %. Con số này chứng minh lượng phát sinh rác thải nhựa rất là lớn, trong khi đó công tác quản lý rác thải nhựa vẫn còn hạn chế.

Theo báo cáo Môi trường quốc gia mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện chỉ có khoảng 66% lượng rác thải được thu gom ở môi trường nông thôn; tại các vùng ven biển có khoảng 74% lượng rác thải được thu gom, lượng rác thải còn lại đều bị thất thoát ra môi trường. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải cũng vẫn còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 71% lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp, tuy nhiên phần lớn các khu vực chôn lấp đều là lộ thiên. Khi có mưa hoặc các tác động tư nhiên sẽ rất dễ xảy ra tình trạng rác thải bị thất thoát ra sông, suối và các dòng chảy rồi đổ ra biển. Bên cạnh đó, ý thức của người dân còn chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát nhiều lượng rác thải nhựa ra môi trường và đổ ra biển.

Núi rác thải trên Thái Bình Dương. Ảnh minh họa

PV: Theo Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025, tức là chỉ còn 2 năm nữa, sẽ giảm được 50% rác thải nhựa biển, bà đánh giá như thế nào về tính khả thi của mục tiêu này?

Bà Phạm Thị Gấm: Tôi cho rằng đây là một mục tiêu khá tham vọng nhưng cũng thể hiện quyết tâm của nước ta trong việc quản lý giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Để đạt được mục tiêu này trong thời gian hai năm tới, cần sự quyết tâm rất lớn của toàn thể xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, người dân.

Cụ thể, cấp quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động quản lý sản xuất từ sản phẩm nhựa cũng như việc thu gom xử lý rác thải nhựa. Các doanh nghiệp cần tích cực chuyển đổi các sản phẩm sang thân thiện với môi trường cũng như thay đổi mô hình sản xuất để giảm bớt việc phát sinh các sản phẩm nhựa.

Đối với người dân cũng như là cộng đồng dân cư, người dân giảm thiểu việc tiêu dùng các sản phẩm nhựa cũng sẽ giúp khuyến khích được các doanh nghiệp trong việc sản xuất các sản phẩm thay thế. Người dân cũng chính là những người trực tiếp tham gia việc thu gom phân loại rác tại nguồn, do đó mỗi người dân đóng vai trò trung tâm trong giảm rác thải nhựa. Khi tất cả thành phần trong xã hội như doanh nghiệp, người dân, các tổ chức quản lý của nhà nước cùng tham gia giảm rác thải nhựa thì mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được.

Rác thải ở chợ Tuy Phong, Bình Định. Ảnh tư liệu

PV: Hiện nay nhiều địa phương đã triển khai các mô hình cộng đồng dân cư giảm rác thải nhựa hiệu quả. Tuy nhiên, để các phong trào, mô hình này không chỉ là các hoạt động đơn lẻ mà trở thành thói quen sinh hoạt, được triển khai rộng khắp trên cả nước, theo bà cần có cơ chế khuyến khích gì?

Bà Phạm Thị Gấm: Trong những năm qua, tôi thấy rất nhiều địa phương, các tổ chức chính trị xã hội có nhiều phong trào xây dựng các mô hình giảm rác thải nhựa hiệu quả. Để các mô hình này được phổ biến rộng rãi, trước hết chính quyền địa phương phải có những tổng kết đánh giá để xem những mô hình nào phù hợp với địa phương mình cả về nhân lực và tài chính. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể đưa ra những cơ chế chính sách cần thiết cho những mô hình tại địa phương mình, nếu mô hình ở quy mô nhỏ thì có thể áp dụng khuyến khích xã hội hóa, đây là cách làm hiệu quả đang được áp dụng ở một số nơi. Nếu địa phương đó có mô hình xử lý rác thải ở quy mô lớn, có thể áp dụng phương thức đầu tư theo đối tác công tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp và các tổ chức có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong bảo vệ môi trường, bởi các mô hình này được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước.

PV: Bên cạnh những cơ chế, chính sách để khuyến khích, bà có thể cho biết những chế tài, biện pháp xử phạt nào nhằm thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tại các khu vực có biển thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa?

Bà Phạm Thị Gấm: Hiện nay chế tài trực tiếp liên quan đến xử lý thu gom rác thải, bao gồm có rác thải nhựa đã được quy định ở Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định có những chế tài rất nghiêm khắc với mỗi cá nhân như: hành vi không phân loại rác thải có thể bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Hoặc hành vi tôi cho rằng rất phổ biến là thải bỏ rác thải nhựa ra hệ thống sông, ngòi hoặc trực tiếp xuống biển có thể bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Việc áp dụng các chế tài này rất quan trọng. So với các biện pháp khuyến khích, các biện pháp chế tài sẽ giúp giảm các hành vi vi phạm và dần dần hình thành thói quen tốt trong mỗi người dân.

Thanh niên TP Đà Nẵng tham gia làm sạch bãi biển. Ảnh tư liệu

Các em nhỏ tham gia thu gom rác thải ở Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh tư liệu

PV: Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo, Ngày đại dương thế giới sắp tới sẽ tập trung vào những nội dung gì, ý nghĩa và kỳ vọng của các hoạt động diễn ra trong thời gian này là gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Gấm: Đây là sự kiện lớn, có quy mô toàn quốc với sự tham gia của các cơ quan trung ương cũng như địa phương và nhiều tổ chức khác. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng để tất cả chúng ta thực hiện các mục tiêu về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển và hải đảo...

Bên cạnh đó, sự kiện này góp phần thực hiện mục tiêu thứ 14 của chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc là "Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững". Đây không chỉ là dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống rác thải nhựa biển mà còn là dịp để mỗi cá nhân thay đổi tư duy, hành động, cách ứng xử với rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường biển nói chung, từ đó bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta.

Với việc tham gia đông đảo của các tổ chức, địa phương tại sự kiện này sẽ góp phần bảo vệ môi trường biển và đại dương khỏi ô nhiễm môi trường, cũng như góp phần phát triển bền vững tài nguyên biển cho thế hệ hôm nay và mai sau.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hoàng Nam (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang