Đánh thức “mặt tiền” của biển

Bài 2: Vay “tiền nóng” làm đường du lịch

15:14 16-09-2021

VBĐVN.vn - Triển khai nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, người lãnh đạo tỉnh không có quyết đoán, không vì mục tiêu phát triển chung, thiếu tầm nhìn xa... thì khó đạt được hiệu quả chiến lược đề ra, mọi chương trình có thể còn nằm trên giấy. Từ lâu, tỉnh Khánh Hòa đã táo bạo mở các tuyến đường ven biển, đường kết nối với thành phố du lịch Đà Đạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là những chi tiết, câu chuyện thực tiễn sinh động, đôi khi chưa ghi vào nghị quyết.

Bài 2: Vay “tiền nóng” làm đường du lịch

“Dọc bãi Dài ở huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao nằm san sát nhau. Chưa có ai tính được tổng vốn đầu tư đã đổ vào đây là bao nhiêu? Theo ước tính của tôi cũng phải hàng tỷ đô la Mỹ. Rồi khách sạn cao tầng mọc lên dày đặc dọc theo đường ven biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành,... (TP Nha Trang). Nhìn tổng thể như vậy để thấy những quyết sách của Tỉnh ủy Khánh Hòa lấy “mặt tiền” của biển phát triển mạnh mẽ, có tầm nhìn xa của quy luật phát triển” - ông Phạm Văn Chi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tự hào về tiềm năng của tỉnh.

Tuyến đường ven biển thành phố Nha Trang góp phần đưa thành phố biển trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Đấu giá đất bán trả nợ

Bãi Dài trước đây là vùng đất cát hoang vu, sau khi tỉnh Khánh Hòa mở tuyến đường ven biển nối từ thành phố Nha Trang đến sân bay quốc tế Cam Ranh, dài gần 50km. Vùng đất bãi Dài thành 2 mặt tiền, phía Đông là mặt biển với bãi cát tuyệt đẹp, phía Tây giáp đường đi sân bay, cách sân bay Cam Ranh từ 2-15km, hiện nay có 100% diện tích đất đã lấp đầy khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

“Tôi nhớ, lúc Sở Giao thông Vận tải trình UBND tỉnh bản thiết kế tuyến đường từ thành phố Nha Trang đi vào sân bay Cam Ranh, chiều rộng chỉ 30m, đường 2 chiều. Tôi hỏi ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: “Ông định làm tuyến đường này cho phát triển tương lai hay chỉ trong vài năm thôi?”. Ông ta ấp úng.

Tôi lấy tờ giấy vẽ bằng tay, nói rõ 2 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, toàn bộ phần đường đi qua dãy núi Cù Hinh, cho lấn ra đi sát bờ biển, giữ nguyên lộ giới 30m. Thứ hai, đoạn ở bán đảo Cam Ranh (bãi Dài) lấy ra chiều rộng 60m, ở giữa để đất trống 30m, chỉ làm đường 2 chiều ở hai bên. 20-30 năm sau, mình có tăng lên 4 làn xe ôtô, thì lấy đất trống ở giữa làm không phải tốn tiền đền bù, giải tỏa mặt bằng hai bên. Bây giờ nhìn dọc theo đường này, khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng mọc dày đặc. Khách du lịch bước xuống sân bay Cam Ranh, đi về thành phố Nha Trang trên đường ven biển, sơn thủy hữu tình, tạo nên hình ảnh ấn tượng rất tốt” – ông Chi tường thuật.

Đầu tháng 5-2001, Tỉnh ủy Khánh Hòa có chủ trương mở tuyến đường Phạm Văn Đồng, nối từ đường Trần Phú ra đến quốc lộ 1A, phá thế đường “độc đạo” cho thành phố Nha Trang. Vấn đề nan giải nhất là không huy động được nguồn vốn 320 tỷ đồng, UBND tỉnh Khánh Hòa họp bàn nhiều phương án và quyết định đi vay tiền làm đường.

“Đành phải đánh liều đi “vay nóng” của kho bạc Nhà nước về làm đường, dự tính làm đường xong, đấu thầu đất trả nợ. Mọi thủ tục vay vốn đã xong, tỉnh triển khai giải phóng mặt bằng, áp giá đền bù cho người dân. Nhiều người dân kéo đến trước trụ sở UBND tỉnh phản đối, tôi cử người ra mời bà con vào hội trường của UBND tỉnh trao đổi. Nhiều người đứng lên phát biểu ý kiến, tôi ngồi lắng nghe. Cuối cùng, tôi kết luận, đây là tuyến đường lớn đi qua khu dân cư, bà con sẽ được rất nhiều lợi ích kinh tế trước mắt và lâu dài. Bà con về nhà bàn bạc thêm, rồi cho UBND tỉnh biết: Phương án thứ nhất, bà con đồng ý mở tuyến đường đi qua khu dân cư như kế hoạch đã đưa ra lâu nay và với số tiền đền bù đã công bố. Phương án thứ hai, bà con không đồng ý mở đường và giá đền bù của tỉnh đưa ra. Cả hai phương án này, bà con tập hợp lại viết thành văn bản gửi cho UBND tỉnh biết nguyện vọng” - ông Chi nhớ lại.

Vịnh Nha Trang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách quốc tế đến nghỉ dưỡng.

Mấy ngày sau, ông Phạm Văn Chi nhận được ý kiến của các hộ dân, không đồng ý mở tuyến đường đi qua đất của họ và không đồng ý giá đền bù. Ông Chi giao cho Sở Giao thông Vận tải sửa lại thiết kế, “nắn” tuyến đường lấn ra sát bờ biển để không đụng vào đất của hộ dân nào. Làm xong đường, tỉnh Khánh Hòa bán đấu giá mảnh đất do Hợp tác xã nghề cá Vĩnh Phước quản lý (mặt tiền đường mới mở).

“Tôi cho thông báo đấu giá đất công khai, qua nắm tình hình thấy có vài vấn đề khả nghi, các nhà đầu tư có thể “bắt tay” nhau để “dìm” giá tại phiên đấu giá. Tôi gọi anh bạn đi đóng tiền cọc đấu giá 400 triệu đồng, nhảy vào làm “quân xanh” đấu sòng phẳng với nhau. Giá khởi điểm gần 10 triệu đồng/m2, họ đấu lên 24 triệu/m2, tăng hơn gấp 2 lần so với giá khởi điểm, số tiền thu được gần đủ trả nợ làm cả tuyến đường” - ông Chi kể chuyện hấp dẫn.

Đủ dũng khí thực hiện nghị quyết của Đảng

Tôi hỏi thẳng ông Chi: “Anh làm một nhiệm kỳ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã tạo được những dấu ấn nào cho địa phương?”. Ông Chi cười và nói có chút “lý luận”: “Lúc tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề ra 10 chương trình và dự án lớn. Nhưng tôi vẫn ấn tượng chuyện đi vay tiền làm 3 tuyến đường quan trọng của tỉnh: Tuyến đường Phạm Văn Đồng, đường Nguyễn Tất Thành đi vào sân bay Cam Ranh, tuyến đường đi lên thành phố Đà Lạt. 3 tuyến đường này trở thành “đòn bẩy” cho du lịch phát triển. Đường ven biển mở đến đâu, khách sạn mọc theo đó, các bờ đá phía Bắc Nha Trang ngày trước chưa có đường mở ra, “có cho” cũng không ai thèm lấy, nay hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế nằm sát mặt nước biển, giá đất mấy chỗ này bây giờ đắt như vàng. Năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đã đón trên 7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu trên 20.000 tỷ đồng. Rõ ràng, không có đường lớn thì khó kéo các dịch vụ phát triển theo. Ví dụ, tuyến đường đi Đà Lạt kết nối giữa một thành phố cao nguyên mát mẻ và một thành phố biển lộng gió, chỉ cách nhau 140km, có giá trị phát triển liên vùng”.

Theo ông Chi, bài học lớn nhất của người lãnh đạo một tỉnh “có gan” làm, “có gan” chịu trách nhiệm. “Điều cốt tử nhất, phải đủ dũng khí thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy, mình làm không có động cơ, mục đích cá nhân xen lẫn vào trong các dự án, mọi thông tin được công khai, minh bạch cho người dân, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp biết và giám sát. Từ đó, nhân dân hoàn toàn ủng hộ, thế là thành công” – ông Chi tâm sự.

Bài 3: “Máy in tiền” đặt trên đảo

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang