Cần xây mô hình về giảm rác thải nhựa đại dương

15:29 02-12-2021

VBĐVN.vn - Muốn giảm rác thải đại dương thì điều quan trọng là phải làm cho ngư dân thấy được lợi ích tức thì từ hành động thu gom rác thải trên biển và không xả rác thải ra biển chẳng hạn như cần có các mô hình đổi rác thải trên biển, trên tàu lấy các đồ dùng, vật dụng cần thiết v.v...

Năm 2050, rác thải nhựa đại dương có thể nhiều hơn cá

Hệ sinh thái biển toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa liên quan đến rác thải nhựa, xuất phát từ những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền gắn chặt với đời sống nhân loại nhiều năm qua. Rác thải nhựa đại dương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, mà còn đe dọa sự sống của những sinh vật biển, hay sâu xa hơn là sức khỏe con người. Rác thải nhựa khó phân hủy, nằm lại dưới đáy đại dương, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.

Tình trạng môi trường tại các bãi biển Việt Nam. (Ảnh: we25.vn)

Theo một số báo cáo khoa học, khối lượng rác thải nhựa trên biển có thể nhiều hơn khối lượng của cá vào năm 2050, tính theo tốc độ xả thải hiện tại. Điều này đòi hỏi các quốc gia cần nâng cao năng lực xử lý rác thải, giảm thiểu rác nhựa đổ ra đại dương bằng những chương trình hành động cụ thể.

Vai trò của ngư dân trong giảm rác thải đại dương

Để tiến tới mục tiêu trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong giảm ô nhiễm nhựa đại dương, Việt Nam đã có những kế hoạch rốt ráo. Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu "Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; Tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương". Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng đã ký các văn bản ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; về đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025 v.v...

Ngư dân là lực lượng hàng đầu của công tác chống rác thải nhựa đại dương. (Ảnh minh họa)

Trong các giải pháp toàn diện được áp dụng, công tác truyền thông để nâng cao nhận thức ngư dân về rác thải nhựa đại dương được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đặc biệt quan tâm. Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% nông, ngư dân tại các vùng ven biển, vùng nuôi tập trung và cán bộ quản lý thủy sản các cấp được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý và hành động giảm thiểu rác thải nhựa.

Để đạt con số tuyệt đối (100%), Tổng cục Thủy sản đề ra nhiệm vụ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen cộng đồng ngư dân với những nội dung chủ yếu như: Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa; biên soạn tài liệu cho các lớp tập huấn... Trên cơ sở lý thuyết, mọi người dân cần chung tay hành động ngay. Bên cạnh việc tuyên truyền thì với ngư dân, phương pháp truyền đạt không thể dừng ở mức "nói suông". Hơn hết, người dân cần chương trình hành động với hướng dẫn, mô hình cụ thể để làm theo. Điều quan trọng là phải làm cho ngư dân thấy được lợi ích tức thì từ hành động thu gom rác thải trên biển và không xả rác thải ra biển chẳng hạn như cần có các mô hình đổi rác thải trên biển, trên tàu lấy các đồ dùng, vật dụng cần thiết v.v...

Các hành động của tổ chức môi trường

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để triển khai một số chương trình kêu gọi người dân không sử dụng túi nilon khi đi mua sắm, phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học tại các địa bàn một số tỉnh triển khai các hoạt động về rác nhựa tới giáo viên và học sinh.

WWF cũng phối hợp cùng một số doanh nghiệp và ban quản lý cảng cá như ở Phú Yên, Phú Quốc, Đà Nẵng nhằm vận động và khuyến khích ngư dân trang bị lưới/thiết bị đựng rác trên thuyền để có thể thu gom rác, ngư cụ mang về vứt bỏ đúng nơi quy định.

Những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường biển. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình truyền thông ở các địa phương còn nhiều điểm hạn chế, khi chưa thể tổ chức thực hiện mẫu trên diện rộng, mà mới dừng ở một số nơi như Phú Quốc, Côn Đảo, Đồng Hới, Hạ Long.

Kết quả báo cáo cho thấy còn nhiều người dân chưa biết về nỗ lực của nhà nước trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức, cho thấy sự cần gia tăng các biện pháp truyền thông để người dân đồng hành cùng Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế", ông Tạ Anh Tuấn, đại diện WWF-Việt Nam chia sẻ.

Theo kinhtemoitruong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang