Cấp bách bảo tồn biển
Trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, xu hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển đang ngày càng tăng. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiện tài nguyên biển cũng dần trở nên đáng báo động, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, công tác bảo tồn biển, gìn giữ đa dạng sinh học biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách.
Quy hoạch các khu bảo tồn biển
Để bảo đảm tính bền vững của các vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên, các khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, kinh tế biển xanh được xác định là nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế biển nước ta đến năm 2030; trong đó mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết: Biển, vùng ven biển và các hệ sinh thái biển cung cấp tài nguyên cho sự phát triển kinh tế biển. Nhưng các hệ sinh thái biển và các tài nguyên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, đa dạng sinh học biển bị đe dọa...
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ưu tiên và chú trọng hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển và xem nó như một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong tương lai. Việc duy trì được tính đa dạng hệ sinh thái và các loài sinh vật biển chính là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên”, tạo ra sự phát triển ổn định cho kinh tế biển Việt Nam. Vì vậy, bảo tồn biển và phát triển kinh tế là hai mặt của một vấn đề trong việc phát triển bền vững hướng tới hình thành nền kinh tế biển xanh.
Năm 1995, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học quốc gia, trong đó đề cập đến bảo tồn biển và vùng ven biển. Theo đó, trong các năm 1998-1999, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước đây đã phối hợp với Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam.
Trải qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung quy chế quản lý, đến ngày 26/5/2010, tại Quyết định 742/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với danh mục 16 khu bảo tồn biển. Đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Sáu Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.
Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp. Tất cả 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam tập trung ở vùng biển ven bờ, xa nhất là khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều khu bảo tồn biển vẫn bị xâm hại
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết: Đến năm 2018, khoảng 10 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển trong quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các tỉnh thành lập Ban Quản lý. Trong đó 3 khu là Cát Bà, Côn Đảo, Núi Chúa được quản lý theo tinh thần của một Vườn quốc gia. Về mặt hành chính, các khu bảo tồn biển đang được nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau quản lý. Hiện có hai khu bảo tồn biển trực thuộc sự quản lý của UBND tỉnh hoặc thành phố (Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang); 3 khu bảo tồn biển trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Hòn Cau, Phú Quốc, Cồn Cỏ); 5 khu là Vườn quốc gia có vùng biển đi kèm trực thuộc UBND tỉnh (Núi Chúa, Côn Đảo, Lý Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ).
Mặc dù các cơ quan chủ quản đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, nhưng các vi phạm làm tổn thương các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển trong những năm gần đây vẫn ở mức phức tạp, chủ yếu là do các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, các hoạt động du lịch trong các khu bảo tồn biển tăng nhanh trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó là những điểm sáng tại một số khu bảo tồn biển nhờ vào các hoạt động cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư như: Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Vườn quốc gia Núi Chúa. Đặc biệt, ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trên cơ sở áp dụng phương thức đồng quản lý dựa vào cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên, xử lý rác thải nhựa mà lĩnh vực du lịch sinh thái đã bước đầu tạo ra thu nhập bắt nguồn từ việc bảo tồn. Người dân được cải thiện sinh kế nên đã chủ động hơn trong việc tham gia quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ Ban quản lý trong việc thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác tài nguyên, nguồn lợi trong khu bảo tồn biển.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá: Các hoạt động phát triển ở vùng ven biển hết sức sôi động, đa dạng; đôi nơi, đôi lúc có biểu hiện phát triển “nóng”, ưu tiên cho sự phát triển hơn là bảo tồn. Bên cạnh những lợi ích thu được trong ngắn hạn, các hoạt động phát triển gần đây đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến số phận của các khu bảo tồn biển. Đó là các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải, xả thải rác, nước bẩn từ các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị ven biển; việc đánh bắt cá bất hợp pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng một số đảo, khu vực biển trong phạm vi vùng đệm của các khu bảo tồn biển diễn ra trên phạm vi rộng và ở quy mô lớn chưa từng xảy ra trước đây.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển ở nước ta. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng đọng và quấn bám vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển.
Bên cạnh đó, chất lượng các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, ở trạng thái không tốt; đồng thời, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến đổi đại dương là những thách thức dài hạn đối với các khu bảo tồn biển.
Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các mối đe dọa chính trong những năm qua mà môi trường biển đang phải đối mặt ở mức rất phổ biến và đang ở cấp độ báo động cao là: Ô nhiễm nguồn gốc từ lục địa và từ biển; phá hủy nơi cư trú tự nhiên; khai thác và đánh bắt cá quá mức; tác động của biến đổi khí hậu.
Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương. Nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn nên đã nuốt vào bụng hoặc chúng bị mắc kẹt giữa các ngư cụ và tử vong.
Ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam, như Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu...
Nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho thấy, tài nguyên biển ở nước ta hiện nay đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Theo ước tính, trên toàn vùng biển nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang khoảng 40 - 60% cỏ biển, 70%; rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.
Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã mất 12% rạn san hô; 48% rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Diện tích các rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người sinh sống thuộc quần đảo Trường Sa.
Việc quan tâm chưa đầy đủ đến công tác bảo tồn biển và sự đa dạng sinh học biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đặt ra.
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển
Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, giàu từ biển, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Trong những năm qua, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đã và đang trở thành những khu vực phát triển tốc độ cao, xu hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển đã được nhiều địa phương triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích to lớn cho đất nước. Tuy vậy, việc quản lý và bảo vệ môi trường biển theo hướng phát triển bền vững còn nhiều bất cập.
TS Đặng Trung Tú ở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng sâu xa là vấn đề nhận thức. Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân còn chưa thực sự đặt vấn đề bảo vệ môi trường biển lên hàng đầu. Trong tư duy phát triển kinh tế biển nhiều địa phương vẫn xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn các lợi ích lâu dài.
Cùng với đó, các yêu cầu phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường biển chưa được quán triệt đầy đủ, sâu sắc trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển và các đề án, dự án cụ thể... dẫn đến việc thực thi không nghiêm, không hiệu quả. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương với địa phương trong việc ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường biển chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ, thuận tiện.
Bên cạnh đó, các quy định xử phạt của Việt Nam còn thiếu mà lại chồng chéo, mức độ xử phạt còn thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển và xâm hại tài nguyên thiên nhiên biển gia tăng.
Để vấn đề bảo vệ môi trường biển thực sự hiệu quả, gìn giữ và khai thác tài nguyên thiên nhiên biển hợp lý, phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế biển, TS Nguyễn Trung Tú cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, đặc biệt đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên biển, trên các đảo, cụm đảo; cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải; kiểm soát, ngăn chặn hoàn toàn việc đổ chất thải nguy hại xuống biển dưới mọi hình thức.
Trong giai đoạn tới, nước ta cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng cửa sông ven biển và trên biển; xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khối doanh nghiệp trong hoạt động giám sát và ứng phó sự cố môi trường biển; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.
TS Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu biển và hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Hiện tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản hủy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng hải sản, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a xít hóa đại dương, giao thông hàng hải. Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.
TS Dư Văn Toán cho biết, khu bảo tồn biển cố định có tác dụng bảo vệ các cá thể sống cố định, không di cư nhưng lại không hiệu quả trong việc bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng nghìn ki lô mét như: cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển... Khi đi khỏi khu vực bảo tồn chúng có nguy cơ trở thành đối tượng bị đánh bắt.
Đồng nộ các giải pháp về bảo tồn biển
Một giải pháp để bảo vệ các loài di cư là thiết lập các khu bảo tồn biển di động có vùng ranh giới biển linh hoạt và biến động trên các vùng biển quốc tế và xuyên quốc gia. Các loài di cư sẽ được bảo vệ nhờ các vùng bảo tồn di chuyển theo con đường di cư của loài. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nếu các quốc gia cùng chung tay hành động thì việc quản lý các khu bảo tồn biển di động sẽ trở thành hiện thực nhờ sự trợ giúp của các công nghệ viễn thám và truyền số liệu qua vệ tinh.
TS Dư Văn Toán nêu rõ, theo các nghiên cứu, đánh giá hiện nay, mô hình bảo tồn đa dạng sinh học hiện có trên vùng biển Việt Nam chỉ đạt 0,4% diện tích bảo tồn biển. Trong khi đó, chỉ tiêu được nêu ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cần chiếm ít nhất 4% diện tích bảo tồn biển vào năm 2030 và 6% diện tích bảo tồn biển vào năm 2045. Vì vậy, cần bổ sung cách tiếp cận mới trong bảo vệ đa dạng sinh học biển tại Việt Nam.
Để thực hiện được khu bảo tồn biển di động, nước ta cần có các nghiên cứu ngay từ bây giờ để xây dựng bộ tiêu chí và thiết lập hệ thống các khu bảo tồn biển di động trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt khu vực biển ngoài khơi gần với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Việt Nam cũng có thể kết nối hệ thống 16 khu bảo tồn biển cố định, các khu bảo vệ san hô, khu dự trữ nguồn lợi hiện có với các khu bảo tồn biển di động mới để hoàn chỉnh hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam. Điều này có thể đáp ứng chỉ tiêu gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 theo mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS Nguyễn Trung Tú cho rằng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định rõ công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển trong thời gian tới.
Theo đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp lớn như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học biển nói riêng; trong đó chú trọng đến các cơ chế toàn cầu và khu vực mà các điều ước và diễn đàn quốc tế đang quan tâm. Bên cạnh đó, nước ta cần tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển…
Ngoài ra, thời gian tới, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển cần được chú trọng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy việc thành lập và quản lý các khu vực biển có giá trị quan trọng; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực: nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân tại các khu bảo tồn biển chuyển đổi sinh kế…
Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Trần Nguyên Hùng cho biết: Để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục Thủy sản đề xuất, kiến nghị với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ một số nội dung như: có cơ chế, chính sách và quan tâm đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý khu bảo tồn biển; đầu tư phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; quản lý, bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sinh quý, hiếm và có giá trị kinh tế, khoa học đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Cùng với đó, các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng thủy hải sản cần được tăng cường, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các chất bảo quản sản phẩm thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm điều kiện an toàn của tàu thuyền trong khai thác thủy hải sản; kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, công tác quản lý an toàn lao động nghề cá.
Ngoài ra, trong thời gian tới, các mô hình quản lý nhà nước có sự tham gia của cộng đồng cần được nhân rộng; khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; phối hợp hiệu quả giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng, đặc biệt là các dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy hải sản cần được kiểm soát chặt chẽ; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận