Cú hích phát triển kinh tế biển xanh
VBĐVN.vn - Sự “góp mặt” của cảng biển Liên Chiểu sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam. Từ đây, Đà Nẵng có cơ hội bứt phá phát triển mạnh kinh tế biển một cách bền vững gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo...
Đón tiềm lực bứt phá
TP. Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế to lớn và là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về biển và kinh tế biển. Đà Nẵng đã tận dụng tiềm năng, lợi thế bờ biển dài hơn 90km với nhiều bãi cát trắng mịn, sóng nước ôn hòa, trong đó, bãi biển Mỹ Khê từng được Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh để phát triển du lịch biển có tính đặc thù cao và xây dựng được thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Ngành khai thác hải sản và chế biến thủy hải sản tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Thành phố cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các loại năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển.
Xác định trọng tâm là dịch vụ khai thác cảng biển, ngày 14-12-2022, Đà Nẵng đã khởi công xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - cảng nước sâu trọng điểm khu vực miền Trung nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm tới. Đây là một tin vui đối với người dân Đà Nẵng, bởi từ đây, một loạt các kế hoạch về hạ tầng và phát triển du lịch, logistics, công nghiệp sẽ được triển khai, sẵn sàng “bứt phá”, đóng góp vào sự phát triển của “đô thị biển” Đà Nẵng và khu vực.
Với tốc độ tăng trưởng, lượng hàng hóa qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt trung bình 10%/năm, năm 2020, lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn. Dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế như sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn đã chép: "Nước sâu lại rộng, ngoài có cả núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây". Như vậy, cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước…
Việc khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung là bước cụ thể rất thiết thực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; đến năm 2045, “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Nền tảng tăng trưởng xanh
Việc phát triển bền vững kinh tế biển có vai trò then chốt đối với thành phố. Song, Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều tồn tại và thách thức, nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và bền vững. Đó là tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ; cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển còn yếu kém, lạc hậu; ô nhiễm tại vùng vịnh, cửa xả từ hệ lụy của việc khai thác du lịch “nóng”.
Chính vì thế, “chìa khóa” phát triển bền vững kinh tế biển ở TP. Đà Nẵng chính là tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Cụ thể, phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, thành phố đã lồng ghép các nội dung phát triển bền vững kinh tế biển vào kế hoạch triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND thành phố đã có Quyết định số 688/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế... Cùng với đó, UBND thành phố giao Sở Du lịch tiếp tục triển khai đề án quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển dọc đường Nguyễn Tất Thành.
Cũng tại kế hoạch nói trên, UBND thành phố đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế hàng hải. Theo đó, xây dựng cụm cảng Đà Nẵng trở thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; nâng cao năng lực, công suất các cảng, bảo đảm giải quyết 100% khối lượng hàng hóa đi và đến; từng bước phát triển dịch vụ vận tải biển, dịch vụ hàng hải trở thành thế mạnh, khâu đột phá trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế khác.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối liên thông các cảng biển với các khu công nghiệp của thành phố và với các vùng, miền, địa phương trong nước, quốc tế; phát triển đội tàu vận tải biển, nâng cao chất lượng dịch vụ, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải…
Về khai thác hải sản, một trong những ngành thế mạnh của thành phố, UBND thành phố đề ra nhiệm vụ chuyển từ khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời, đầu tư xây dựng một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: dược liệu biển; nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…
Thành phố cũng thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển công nghiệp ven biển và khai thác khoáng sản biển…
Những giải pháp, nhiệm vụ nói trên hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế vào năm 2030 và trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn vào năm 2045.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và 1 trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm của Việt Nam.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận