Đẩy mạnh khuôn khổ pháp lý trên biển

18:05 27-06-2021

VBDDVN.vn - Cộng đồng quốc tế mới đây tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng và trung tâm của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Cùng với đó, trong mối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, các bên cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 19. Ảnh: TTXVN

Hiến pháp của đại dương

Xuyên suốt hành trình gần 40 năm, UNCLOS luôn được khẳng định là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, cũng như cơ sở cho các hành động và hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực biển. Theo giới chuyên gia luật biển quốc tế, UNCLOS là khuôn khổ pháp lý để giải quyết các thách thức trên biển trong khu vực, bao gồm các thách thức mới nổi lên sau khi công ước được thông qua.

Tại Hội thảo lần 3 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về UNCLOS do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức vừa qua, hơn 200 đại biểu từ 27 nước ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế khẳng định rằng, UNCLOS có vai trò như “Hiến pháp” của đại dương. Nhấn mạnh về quan điểm của Việt Nam đối với UNCLOS,Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, Việt Nam cam kết duy trì và tuân thủ UNCLOS, tôn trọng đầy đủ các quyền và lợi ích của các quốc gia khác được quy định trong UNCLOS. Đồng thời, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng, hợp tác thiện chí trên cơ sở UNCLOS sẽ góp phần tăng cường tin cậy giữa các bên, thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Những quan điểm, lập trường và nỗ lực của Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Cùng niềm tin với Việt Nam, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie bày tỏ, UNCLOS ngày càng trở nên quan trọng, ngày càng phù hợp thực tiễn trong việc đối phó với các thách thức trên biển, bao gồm cả an ninh hàng hải. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trong khu vực cần thiết duy trì đối thoại về các vấn đề hàng hải thiết yếu.

Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul cho biết, quốc gia này cam kết hợp tác với ASEAN trong nỗ lực tăng cường an ninh hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOSlà “kim chỉ nam”, là nguyên tắc cần thiết để tạo dựng một khu vực hàng hải an toàn, ổn định và thịnh vượng. Trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông, Canada luôn ủng hộ quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

ARF bao gồm 27 thành viên có cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, có 10 quốc gia thành viên ASEAN; 10 đối tác, đối thoại của ASEAN gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ; cùng với Triều Tiên, Mông Cổ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Timor-Leste và Papua New Guinea – quan sát viên của ASEAN. Trong bối cảnh hiện nay, ARF chỉ ra 4 nội dung quan trọng gồm: Các thách thức đang nổi lên trên biển; quyền và nghĩa vụ hợp tác theo UNCLOS và các văn kiện liên quan; hợp tác bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên biển; hợp tác khu vực về an ninh, an toàn hàng hải.

Các quốc gia chỉ ra rằng, hiện nay, cần nghiên cứu khả năng xây dựng một văn kiện khu vực về đối xử nhân đạo với ngư dân, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến các đặc điểm của khu vực. Đồng thời, đặc biệt nhấn mạnh rằng, hợp tác thiện chí, trên cơ sở công ước sẽ góp phần tăng cường niềm tin giữa các bên, thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Hợp tác không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước mà còn cần sự tham gia của các thực thể khác có liên quan trong khối tư nhân, các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Niềm tin tưởng mạnh mẽ

Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) diễn ra trong tuần qua khẳng định rằng, vượt qua mọi tác động của dịch Covid-19, ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bao gồm hợp tác bảo vệ môi trường biển, đảm bảo đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân...

Hội thảo lần thứ 3 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Ảnh: TTXVN

Các quốc gia cũng bày tỏ quan ngại đối với các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Đáng chú ý, ASEAN và Trung Quốc khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thiện chí, đẩy đủ, hiệu quả DOC, đồng thời nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC thực chất, hiệu quả, nhanh chóng nối lại đàm phán theo hình thức phù hợp với bối cảnh hiện tại. COC tiếp tục được các bên nhấn mạnh quan điểm phải hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với UNCLOS.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc. Các hành động đơn phương, vi phạm những quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN- Trung Quốc. Trước những diễn biến gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, các bên liên quan cần phải thực hiện nghiêm túc, thiện chí DOC và những cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS để tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng một văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS và được ủng hộ rộng rãi.

Thu Thảo (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang