Hợp tác quốc tế về biển và hải đảo trong giải quyết ô nhiễm nhựa và đại dương

12:41 03-06-2021

Biển và đại dương đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Các dịch vụ hệ sinh thái biển tạo nên trên 60% giá trị kinh tế của tất cả sự sống trên trái đất, hỗ trợ sinh kế của trên 3 tỷ người. Tuy nhiên, biển và đại dương thế giới từ lâu đã liên tục bị tấn công bởi cùng một mô hình tiêu thụ và sản xuất không bền vững, trở thành bãi rác để tập kết các vật, chất gây ô nhiễm, điển hình là rác thải đại dương, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong đó là rác thải nhựa. Theo ước tính của Chương trình môi trường Liên hợp quốc, các mối nguy hiểm tích lũy và tác động trực tiếp của rác thải nhựa biển đã góp phần gây thiệt hại ước tính từ 500 đến 2.500 tỷ USD trong các dịch vụ hệ sinh thái biển mỗi năm.

Ảnh Internet

Thách thức trong hợp tác quốc tế giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương

Hơn 50% tổng lượng rác nhựa thải ra đại dương là từ các nước nằm trong khu vực biển Đông Á, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến các quốc gia trong đó có Việt Nam cần cấp bách có những hành động ngăn chặn ô nhiễm do rác thải nhựa trên đại dương. Thực tế, việc ngăn chặn, giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) đã được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế thực hiện ở quy mô toàn cầu từ khoảng trên 20 năm trước đây, trong đó, hiệp hội nhựa toàn cầu là một ví dụ. Vào tháng 3 năm 2011, các nhà lãnh đạo từ 47 hiệp hội nhựa trên toàn cầu đã ký một tuyên bố để chống lại căn nguyên của vấn đề rác thải biển. Vào đầu năm 2020, khoảng gần 400 dự án đã được lập kế hoạch, đang thực hiện hoặc đã hoàn thành do 80 hiệp hội nhựa ở 43 quốc gia ký kết tuyên bố và 13 hiệp hội nhựa không tham gia ký kết tuyên bố thực hiện. Tuyên bố của hiệp hội đã định hướng các hoạt động trong phòng, chống, giảm thiểu, quản lý rác thải biển.

Qua các số liệu trên có thể thấy rằng, vấn đề rác thải nhựa được giải quyết bằng các nhóm giải pháp mang tính toàn diện, được thực hiện trên khắp thế giới ở các quy mô địa lý khác nhau, từ địa phương, quốc gia, khu vực đến toàn thế giới. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng nơi, các dự án có thể được ưu tiên cho những nhóm khác nhau nhưng về tổng thể có thể thấy rằng nhóm dự án hướng tới các hành động cụ thể, thiết thực như tái chế, phục hồi năng lượng và nhóm dự án liên quan đến giáo dục, đào tạo, truyền thông, thay đổi hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sử dụng sản phẩm nhựa và ứng xử với rác thải nhựa là các nhóm được ưu tiên, với số lượng các dự án nhiều hơn hẳn.

Về phương diện tài chính, nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động về RTNĐD của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ đầu tư trên thế giới khá lớn. Tại Hội nghị đại dương của chúng ta tổ chức năm 2019 tại Oslo, Nauy đã báo cáo thống kê về các cam kết của Chính phủ các nước cho vấn đề liên quan đến biển và đại dương, đặc biệt là an toàn hàng hải. Trong đó, nổi bật nhất là các cam kết và các hành động thực tế của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã cấp ngân sách cho công tác đào tạo về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường của một số nước cũng như triển khai chương trình Chính sách an ninh, an toàn hàng hải; kinh phí thực hiện các cam kết về việc phát triển các phương pháp phân tích phù hợp cũng như các thiết bị cần thiết, bao gồm các senser nhằm tìm hiểu các thông tin về axit hóa đại dương, đa dạng sinh học biển và vi nhựa trong giai đoạn 2018 - 2022. Châu Âu tuyên bố sẽ hỗ trợ cho Chiến lược nhựa của mình thông qua việc cấp ngân sách cho Chương trình đổi mới và nghiên cứu mang tên Horizon 2020. Cộng đồng Châu Âu cũng tài trợ cho các nước Thái Bình Dương giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe và sự thịnh vượng, rác nhựa biển và bảo tồn đa dạng sinh học. Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc, Tổ chức điều phối các biển Đông Á và Cơ quan phát triển quốc tế của Thụy Điển cam kết giảm rác thải biển từ các nguồn lục địa ở các biển Đông Á. Hiện nay, đang thực hiện khoản hỗ trợ trị giá 15,6 triệu đô la nhằm xác định và mở rộng các giải pháp dựa vào thị trường các biện pháp quản lý phù hợp và các chính sách tài chính; tăng cường việc ra quyết định trên cơ sở thông tin dữ liệu khoa học, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen của cộng đồng.

Qua những thông tin cho thấy, ô nhiễm ở quy mô toàn cầu do RTNĐD là vấn đề ưu tiên được giải quyết trong giai đoạn hiện nay với những thuận lợi là sự hỗ trợ, cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, các nhà chính trị, sự hoàn thiện của hệ thống chính sách, pháp luật cũng như nguồn lực tài chính đã sẵn sàng cho các hành động. Tuy nhiên, các quốc gia trên toàn thế giới đang gặp phải những thách thức to lớn đối với nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm biển và đại dương do RTN. Đặc biệt là thách thức về huy động nguồn lực đầu tư và hiệu quả giải quyết vấn đề.

Hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương của Việt Nam

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm RTN, trong đó có RTNĐD. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết RTNĐD, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn RTN. Năm 2019, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa RTN biển vì các đại dương xanh.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra vào tháng 6 năm 2018 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý RTNĐD”. Việt Nam đề xuất thực hiện 5 hợp phần, trong đó có hợp phần Xây dựng cơ sở tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng liên quan đến rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á.

Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTNĐD”. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”; Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 647/QĐ/TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, trong đó có nội dung về phát triển hợp tác quốc tế về RTN, RTNĐD. Gần đây nhất, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó đã đưa ra các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có RTN.

Với mục tiêu hướng tới các hành động cụ thể, Quyết định số 1746/QĐ-TTg đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đối với nội dung hợp tác quốc tế, Quyết định nêu rõ: Tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế giải quyết RTNĐD, đặc biệt với các quốc gia ASEAN và các nước khu vực biển Đông Á; đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về RTNĐD. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; chủ động ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý RTNĐD. Huy động nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát RTNĐD; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu RTNĐD; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý RTNĐD trên cơ sở có điều chỉnh, thích ứng với điều kiện thực tiễn của Việt Nam…

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp của nhiều quốc gia, tổ chức, quy phát triển trên thế giới về vấn đề RTNĐD, điển hình như Nhật Bản, Canada, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, Đối tác hành động nhựa toàn cầu (do Diễn đàn Kinh tế thế giới thành lập), Tổ chức Công nghiệp Thực phẩm Châu Á, Ngân hàng thế giới World Bank,… Đặc biệt gần đây, Chính phủ Việt Nam mà trực tiếp là Bộ TN&MT đã tiếp nhận trang thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích RTNĐD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Các trang thiết bị này đánh dấu một bước nâng cao năng lực của Việt Nam trong điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá RTNĐD phục vụ xây dựng và thực hiện chính sách về quản lý, giảm thiểu RTNĐD đến năm 2030.

Bên cạnh đó, một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và các nhóm ngoài nhà nước đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần kiểm soát, giảm thiểu RTNĐD trong thời gian gần đây. Điển hình như Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế,…

Từ thực trạng trên đây cho thấy, trong thời gian qua Việt Nam đã chủ động hợp tác, khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong tham gia và đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh cho phát triển bền vững, đặc biệt là trong việc chung tay cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển do RTNĐD.

Một số đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế trong thời gian tới

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định những điểm nổi bật về phương hướng đối ngoại. Trong đó, tư duy về đối ngoại song phương và đa phương đã có những bước phát triển mới. Về song phương, chúng ta cần tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, đồng thời cần “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy”. Đối ngoại đa phương cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế”, và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”.

Trên cơ sở đường lối đối ngoại do Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước chỉ ra, trước thực trạng quốc tế và nước ta trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương như đã trình bày, có thể thấy, nhu cầu chia sẻ, tìm hiểu các thông tin, kết quả các hoạt động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, quản lý ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa là vấn đề cấp thiết, ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. Một số đề xuất cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện thể chế chính sách nhằm quản lý RTNĐD. Với tính chất toàn cầu của vấn đề RTNĐD, Việt Nam đang tích cực tham gia quá trình xây dựng, hình thành một Thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề RTNĐD. Quan điểm chung của phía Việt Nam trong quá trình thảo luận phương thức tiếp cận và khung nội dung của Thỏa thuận xuất phát từ thực tế là các thách thức của RTNĐD là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với điều kiện tổng thể của khu vực ASEAN và của Việt Nam. Chúng ta ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng về một Thỏa thuận về RTNĐD trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Hai là, nâng cao năng lực xây dựng, tổ chức và điều phối thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương (ONNĐD). Như đã trình bày, các hoạt động nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý RTNĐD; nghiên cứu về nguồn gốc phát sinh, quá trình phát tán của nhựa trong môi trường biển, tác động của rác thải nhựa tới các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người… được tiến hành rộng khắp ở các quốc gia trên thế giới. Các thông tin, dữ liệu từ các chương trình, dự án này đã được tích lũy khá lớn và cần được tổng hợp, phân tích, chiết xuất và thể hiện, phổ biến bằng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, ở nước ta, việc này chưa được chú trọng đúng mức nên kết quả là công tác thông tin, tư liệu về các chương trình, dự án còn đang đứng ở mức thấp trong khu vực. Xuất phát từ thực tế đó, có thể nói rằng việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu, kế thừa và phát triển các phương pháp điều tra, khảo sát, đánh giá RTNĐD đối với Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay, nhằm có được bức tranh tổng thể về hiện trạng ONNĐD ở Biển Đông cũng như phân tích, dự báo về tình trạng ô nhiễm này trong tương lai để có các đối sách phù hợp. Nhiều chương trình dự án hợp tác quốc tế đang được triển khai trong khu vực ASEAN với các đối tác Nhật, Mỹ, Châu Âu là cơ hội tốt cho Việt Nam chủ động tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại RTNĐD. Để nắm bắt và biến cơ hội này thành các hoạt động hiệu quả trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển nói chung, ô nhiễm do RTNĐD nói riêng, chúng ta cần sớm có một đầu mối điều phối các hoạt động hợp tác và tham gia các hoạt động của khu vực ASEAN về RTNĐD. Việc hình thành đầu mối này không chỉ đúc rút, tiếp thu kinh nghiệm của các chương trình, dự án quốc tế đã thực hiện, tổng hợp những bài học thực tiễn tốt để xây dựng các chương trình, dự án cho Việt Nam mà còn bảo đảm hiệu quả thực hiện dự án, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đầu mối này cũng đóng vai trò kết nối, thúc đẩy, phổ biến, nhân rộng các mô hình quản lý rác thải nói chung, thu gom, tái chế rác thải biển nói riêng; thúc đẩy quá trình đánh giá, chuyển giao các công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm quốc tế về RTNĐD, trong đó đề xuất trong thời gian dài hạn, loại hình hoạt động mà Trung tâm hướng tới là tổ chức hợp tác quốc tế và khu vực về RTNĐD và rác thải biển, hoạt động tương tự như các trung tâm hoạt động với tư cách là cơ quan chuyên môn của ASEAN như Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN, Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo ASEAN,... Trước mắt, để đảm bảo các hoạt động và đạt được các mục tiêu thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện chức năng đầu mối tổng hợp, xây dựng, tổ chức và điều phối việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề ONNĐD, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ, thống nhất với công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Ba là, tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề ONNĐD thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, chia sẻ kết quả nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ có liên quan. Đồng thời, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, tri thức về RTNĐD./.

Thu Thảo (theo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang