Di sản văn hóa nhiều tầng ở huyện đảo Phú Quý

16:54 15-08-2021

VBĐVN.vn - Phú Quý (Bình Thuận) là một huyện đảo trọng yếu trong hệ thống đảo ven bờ, có vị trí trung chuyển quan trọng giữa Vũng Tàu, Phan Thiết và quần đảo Trường Sa. Diện tích huyện đảo bao gồm đảo Phú Quý và các hòn đảo lẻ là 32km2, chu vi khoảng 35km. Đảo Phú Quý giống như một hình chữ nhật lệch, có chiều dài 12km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 4,5km, gồm 3 đơn vị hành chính cấp xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải.

Công trình văn hóa trên đảo. Ảnh: BQT

Ngược dòng về quá khứ

Phú Quý (cũng như Cù Lao Chàm và Lý Sơn) là một trong những điểm tập kết quan trọng cổ xưa. Giai đoạn 20 năm gần đây, những phát hiện về di sản văn hóa vật chất của giới khảo cổ học tại huyện đảo Phú Quý cho thấy, một số địa điểm ở đảo chính có nhiều tầng văn hóa nối tiếp nhau, nhiều công cụ lao động của người nguyên thủy như rìu, cuốc, đục... có niên đại trên/dưới 3.000 năm.

Tiếp theo thời kỳ này, trên đảo xuất hiện làng mạc của những cư dân đầu tiên đến từ đất liền (chủ nhân đầu tiên của đảo đó là người Chăm, chính xác chưa biết từ thời kỳ nào nhưng khi người Việt đến thì người Chăm lần lượt rời khỏi đảo, để lại nhiều di tích kiến trúc và di tích lịch sử như: Đền thờ công chúa Bàn Tranh, hàng chục giếng cổ, ruộng vườn, ao trữ nước cổ bị vùi lấp...). Ở đảo Phú Quý hiện vẫn còn những địa danh cổ như giếng bà Chúa, khu ruộng bà Chúa gắn với những di tích do người Chăm để lại. Trên đảo trước đây còn có một bộ phận dân cư người Hoa đến cư trú cách đây mấy trăm năm, với dấu tích là mộ, đền thờ thầy Sài Nại, đền thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) cùng một số phong tục tập quán thuộc về lễ hội dân gian. Tất cả cho thấy một nền tảng văn hóa bản địa vững chắc dựa trên cả yếu tố đất liền và biển đảo và mối quan hệ hữu cơ giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo mà Việt Nam giữ vai trò cầu nối.

Trong quá trình Nam tiến, từ thế kỷ XVI trở đi, dù vô tình hay hữu ý, đảo Phú Quý đã trở thành điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều nhóm người di cư đến từ Quảng Bình cho tới Phú Yên. Một số tài liệu Hán Nôm đang lưu tại đảo cho biết: “Tổ phụ chúng tôi xưa kia vốn người có nguyên quán ở hai phủ Bình Định, Quảng Ngãi, gặp mùa đói kém nên phiêu dạt đến ngụ ở xứ Cù Lao Khoai (Phú Quý ngày nay) khai phá vùng đất hoang nhàn. Sau này có lời truyền là 50 nóc nhà được lập thành một ấp, ông cha chúng tôi đã đăng bộ vào xứ ấy là làng Thương Hải để nộp thuế hàng năm...”. Ở đền thờ cá voi làng Quý Thạnh vẫn còn một đôi câu đối cho biết một bộ phận cư dân gốc đang sinh sống ở Phú Quý là từ vùng Quảng Ngãi và Bình Định: “Nguyên chính phần Nghĩa Bình thử xứ, tái định cư Quý Thạnh lập thành” (có nghĩa là: Nguyên nguồn cội ở đất Nghĩa Bình, tái định cư lập ấp Quý Thạnh).

Công trình văn hóa trên đảo. Ảnh: BQT

Vào thế kỷ XVII, một số quan lại nhà Minh thất bại trong phong trào “Phản Thanh phục Minh” đã phải trốn ra nước ngoài. Được nhà Nguyễn cho phép, hơn 5.000 Hoa kiều vào khai khẩn các vùng đất phía Nam nước ta như Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên... Trên đường đi có nhiều thuyền đã ghé đảo Phú Quý để tiếp nước ngọt, thấy ở đây có điều kiện tự nhiên tốt đã xin chính quyền trên đảo được ở lại lánh nạn hoặc dừng chân lập nghiệp. Người Hoa đến đây sống dựa vào các nghề như dệt tơ lụa, chăn nuôi và buôn bán. Về sau, nhiều người trong số họ làm ăn giàu có đã lần lượt chuyển cư vào sống ở đất liền, chỉ một số ít còn lại trên đảo.

Từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821), Phú Quý đã hình thành nên 11 làng; đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Phú Quý vẫn được gọi là xứ Cù Lao Khoai. Sau năm 1975, Phú Quý được phân bố thành 3 xã với diện tích tự nhiên 17,82 km2 và số dân gần 28.500 người.

Hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú, độc đáo

Người dân các thế hệ trên đảo Phú Quý đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa vật thể cực kỳ đa dạng và phong phú. Ngoài việc kế thừa, tiếp nhận vốn di sản văn hóa của người Chăm, người Hoa để lại, hệ thống di sản văn hóa vật thể ở Phú Quý còn mang những nét riêng biệt và khá độc đáo, gắn liền với lịch sử khai lập, mở mang hải đảo từ trước đến nay. Có thể nói, di sản văn hóa vật thể Phú Quý hiện đang được lưu giữ, đã đủ sức minh chứng cho những giá trị về lịch sử di dân, khai phá đất đai và xây dựng cuộc sống trên đảo; đồng thời phản ánh những biểu hiện cụ thể đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân Phú Quý xưa nay.

Ngôi đình làng, cư dân Phú Quý quen gọi là miếu, ngoài chính thờ Thành Hoàng bổn cảnh, còn phối thờ đến hai, ba chục vị thần khác. Tính chất phối tự này đã được thể hiện trong danh mục các thần linh được cung thỉnh về “đồng lai phối hưởng” trong văn tế của đình-miếu, được "xướng" lên vào các dịp lễ trọng thường niên. Mặc dù chỉ có diện tích tự nhiên 17,82km2 nhưng Phú Quý hiện có đến 35 di tích đủ các loại hình, trở thành huyện đảo có mật độ phân bố di tích dày đặc và phong phú nhất trong hệ thống đảo, quần đảo, thậm chí so với cả nhiều huyện thị trên đất liền.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, quanh năm phải đối mặt với sóng to gió lớn, vị trí địa lý xa xôi cách trở đất liền nên đa số các di tích được hình thành trong quá khứ ở Phú Quý thường có quy mô thấp nhỏ. Trong khoảng trên dưới chục năm trở lại đây, do điều kiện kinh tế phát triển, phương tiện lưu thông thuận lợi, nên phần lớn di tích đã được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, thậm chí được xây cất mới một cách bề thế, thậm chí hoành tráng và mở rộng không gian, tạo ra những cảnh quan khác lạ so với diện mạo kiến trúc truyền thống khi xưa.

Thuyền của ngư dân neo đậu ven đảo. Ảnh: BQT

Các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, văn hóa dân gian (hò, vè, hát bội, chèo bả trạo, thi kể truyện tiếu lâm, ca dao, tục ngữ), di sản văn bản Hán Nôm (sắc phong, liễn đối, hoành phi, công văn hành chánh, đinh bạ, điền bạ...) hiện vẫn còn rất phong phú. Đây chính là những nét đặc sắc trong vốn văn hóa của cư dân đảo Phú Quý so với cộng đồng cư dân biển đảo ở các địa phương khác. Tuy nhiên, hàng loạt các lễ hội dân gian truyền thống như Lễ giao phiên kỵ Thầy Nại, Lễ cầu ngư, Lễ tế thu và các lệ xuân cầu thu tế tại các đình, chùa, đền, lăng vạn vào tháng giêng, tháng hai và tháng bảy, tháng tám âm lịch hàng năm cùng hàng loạt các hình thức sinh hoạt diễn xướng văn nghệ dân gian như hát bội, chèo bả trạo, lối nói bóng gió, ca dao, tục ngữ, hò vè, giai thoại và truyền thuyết... chưa được sưu tầm, ghi chép và nghiên cứu. Nhiều hình thức sinh hoạt diễn xướng văn nghệ truyền thống đã hàng chục năm không được thực hành, có nguy cơ biến mất.

Theo ông Ngô Lý Thơ, phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện đảo Phú Quý: "Về nguyên nhân của hạn chế này thì nhiều, nhưng có một số nguyên nhân nổi cộm chưa thể khắc phục được. Một là, đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện còn quá mỏng; hai là nguồn kinh phí dành cho hoạt động văn hóa còn rất khiêm tốn; ba là, việc nối kết địa phương với đội ngũ các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa các cấp từ đất liền gặp nhiều khó khăn, việc tiếp nhận hậu thuẫn từ nguồn lực này chưa thể khắc phục trước mắt được”.

Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực sưu tập các nguồn tư liệu hiện đang được con cháu các dòng họ sinh sống trên đảo gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ. Chỉ riêng sắc phong đã thu nhận được 93 đạo sắc do các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho các di tích và cơ sở thờ tự tín ngưỡng, một con số không nhỏ nếu so với diện tích của đảo. Ngoài ra còn có 154 bài văn tế sưu tầm được; 380 bộ câu đối hiện tồn trong 28 di tích; loại hình công văn hành chánh (gồm tờ bẩm, tờ trình, biên lai thu thuế, đinh bạ, điền bạ...) tổng cộng 158 đơn vị với hơn 2.000 trang; 25 bản tuồng hát bội với đủ mọi tình trạng (từ đủ đến thiếu trang, từ nguyên vẹn đến rách nát). Thơ Nôm gồm 10 tác phẩm sưu tầm được tại xã Tam Thanh, riêng tập thơ “Đi kinh” của ông Bùi Quang Gieo có xuất xứ tại xã Ngũ Phụng, hiện được một số người dân chép tay, truyền đọc (cho đến nay bản chính vẫn chưa tìm thấy) đã mang lại những giá trị văn hóa quan trọng trong việc nhận diện thực trạng cuộc sống cơ cực của người dân Phú Quý vì sưu cao thuế nặng dưới chế độ thực dân phong kiến...

Trên đảo Phú Quý đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều tập quán độc đáo mang hồn vía “biển đảo”. Trong các dịp tết, trong mỗi gia đình người dân đảo Phú Quý vẫn giữ được truyền thống làm lễ dựng cây nêu trước sân nhà vào ngày 30 tết. Cây nêu được dựng nhằm mục đích xua đuổi tà ma, quỷ dữ và những thứ đen đủi không cho vào nhà. Cây nêu thường được làm bằng tre, trên ngọn thường treo biểu tượng đầu linh vật hình con phụng, một chùm tre và kéo cờ trên đầu con phụng. Lúc làm lễ, người dân Phú Quý rất chú trọng quan sát giờ con nước lên nhằm cầu khấn thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ làm ăn phát đạt và mọi điều tốt đẹp trong năm mới.

Một số phong tục còn được gìn giữ đến nay là tục ăn trầu ở cả nam lẫn nữ từ 50 tuổi trở lên, còn lớp thanh niên thì hiện không thấy tục này. Trên đảo, khi có một người qua đời hay người gặp hoạn nạn, dù không phải là họ hàng thân thuộc, bà con đều kéo tới chia buồn thăm hỏi ân cần. Trai gái đến tuổi trưởng thành, sau khi đã tìm hiểu và thương yêu nhau, hai bên cha mẹ chọn ngày lành tháng tốt cho con gái về nhà đàng trai, không có tổ chức lễ cưới, tiệc tùng như trong đất liền, có lẽ vì thế mà Phú Quý được mệnh danh là “đảo không đám cưới”. Tuy nhiên, trong khoảng trên dưới chục năm trở lại đây thì việc này đã có sự thay đổi, một số gia đình khấm khá trên đảo đã tổ chức làm đám cưới như trong đất liền, còn lại đa phần vẫn giữ phong tục cũ.

Cư dân trên đảo Phú Quý từ bao đời nay thường quan niệm rằng, ông bà tổ tiên của mình xưa kia đều có gốc gác họ hàng thân thuộc, đều ra đi từ dải đất miền Trung nghèo khó, mong tìm đến miền đất hứa, nương tựa vào biển cả để làm ăn, sinh sống. Vậy nên, bà con đều coi mọi người trong cộng đồng như anh chị em trong nhà. Tình cảm dòng họ như những hạt nhân tạo nên tính bền chặt cho văn hóa làng và sự gắn kết giữa các dòng họ trong cùng không gian sinh kế.

Xem xét cấu trúc cư trú của cư dân ở 10 thôn của 3 xã, có thể nhận thấy cộng đồng dân cư thường chỉ sinh sống trên một phạm vi đất đai hạn hẹp, tập trung đông đúc thành dải ven bờ biển theo kiểu làng chài, đông nhất ở phía tây - nam đảo và một phần phía đông - bắc đảo, chủ yếu theo quan hệ dòng tộc. Mối quan hệ cộng cư, cộng cảm của người dân ở các thôn luôn luôn bền chặt, tạo ra môi trường sống gần gũi, thân thiết, sẵn sàng liên kết hoặc giúp đỡ nhau trong những chuyến đi biển hoặc những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống thường nhật.

Sống giữa đại dương mênh mông, trong một môi trường một thời từng được coi là biệt lập, từ bao đời nay cuộc sống người dân trên đảo Phú Quý đã gắn liền với biển cả. Thêm vào đó, cư dân trên đảo đều là những người có nguồn gốc tha phương. Tất cả những nhân tố này đã hình thành nên một sắc thái văn hóa độc đáo riêng, khác với đất liền về phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian. Sự pha trộn, đan xen hài hòa về văn hóa của các tộc người, các địa phương đã mang đến cho không gian văn hóa đảo một sắc màu mới, một môi trường văn hóa - nhân văn mới, vừa quen mà vừa lạ.

GS.TS Bùi Quang Thanh (laodong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang