Hiên ngang Cồn Cỏ. Bài 3: Công dân “số 1” của đảo

08:12 24-10-2022

VBĐVN.vn - Ra đảo Cồn Cỏ hỏi đến “Quang điện”, từ ông Bí thư Huyện ủy đến người dân đều biết và luôn ca ngợi con người cần cù lao động này. “Cái máy còn có máy thay thế để nghỉ ngơi, còn Quang làm việc cả ngày lẫn đêm. Đêm trực chạy máy điện lực, sáng phải nấu mấy nồi lớn thức ăn cho heo, đi lặn bắt ốc dưới biển, lo sửa soạn đón khách ở nhà hàng, đêm đến đi lùa dê về chuồng” - Thiếu tá Nguyễn Xuân Thủy, cán bộ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị nói về người bạn chí cốt.

Thiếu tá Thủy lấy xe máy chở tôi đến tham quan khu chăn nuôi của Ngô Quang, sinh năm 1985, nhân viên điện lực ở huyện đảo Cồn Cỏ. Quang dẫn tôi đi thăm cơ ngơi, giới thiệu: “Đây là chuồng giống heo rừng sinh sản, ở phía dưới kia là chuồng heo thịt, tổng cộng gần 100 con heo. Đàn dê gần 70 con, không có người đi chăn, ban ngày nhốt, đêm mới thả đi ra rừng ăn lá, khoảng 11-12 giờ đêm tôi mới lùa về chuồng. Mấy năm trước, tôi nuôi 200 con chim trĩ đỏ, 100 con chim trĩ xanh, 150 con gà sao, tất cả đều to lớn, bão đổ bộ vào đảo làm sập chuồng, số chim bay ra ngoài rừng hết sạch. Bây giờ chim sinh trưởng ngoài rừng nhiều rồi, tôi đi chăn dê thường xuyên gặp chim trĩ con”.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thủy tại trại chăn nuôi dê của Ngô Quang (người đứng bên cạnh). Ảnh: Hải Luận

Khởi nghiệp từ chăn nuôi

Tháng 5-2004, Ngô Quang còn là chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị công tác tại đảo Cồn Cỏ. Tháng 1-2006, Quang xuất ngũ, đi học trung cấp điện đến tháng 11-2009, anh quay trở lại Cồn Cỏ công tác. Năm 2010, Ngô Quang cưới vợ ở đất liền và đưa ra đảo định cư. Hiện tại, anh đang công tác tại Điện lực Cồn Cỏ, nên dân đảo gọi cái tên thân thương “Quang điện”.

Nếu thống kê tài sản và các dịch vụ kinh doanh của vợ chồng Ngô Quang, là nhiều nhất ở đảo Cồn Cỏ. Heo, dê nhiều, Quang thường xuất bán cả đàn cho thương lái ở đất liền, thu về vài chục triệu đồng. Nhà hàng của Quang ở vị trí đắc địa nhất đảo, khách du lịch đặt suất ăn cả ngày, chiếm khoảng 2/3 lượng khách ra đảo. Quang mở thêm phòng nghỉ cho khách du lịch thuê. Nhờ vậy, vợ chồng trẻ này đã tích cóp mua được đất và nhà ở thành phố Đông Hà.

Thiếu tá Thủy kể: “Tôi với Quang chơi với nhau như anh em. Trước đây, Quang chẳng có gì, phải nói nghèo khó nhất đảo. Tôi động viên em nó: “Chú vay tiền vào đất liền mua mấy con heo ra nuôi, trời thương gây dựng lên dần dần”. Quang nghe lời, vào đất liền mua 6 con heo giống chở ra đảo nuôi. Sau mấy tháng chăm sóc, heo đạt trọng lượng khoảng 65kg/con. Quang hỏi tôi: “Bây giờ, bán heo thịt bằng cách nào?”. Chỉ có mổ thịt heo bán cho bộ đội, ngư dân tàu đánh cá, công nhân làm công trường…”.

Thiếu tá Thủy nhận “bán hàng” giúp Quang, thông báo ngày làm thịt heo cho mọi người trên đảo biết. Đúng lịch, Thủy làm thịt heo giúp Quang, mọi người xúm đến mua vèo một cái hết sạch thịt heo. “Ai đến trước chọn mua thịt đùi ngon, ai đến sau chỉ còn thịt mỡ, tất cả đều tính đồng giá 120.000 đồng/kg. Quang tính sổ, lãi được 900.000 đồng, mừng lắm. Người mua thịt heo vẫn còn, tôi gọi Quang vào nấu thêm nồi nước sôi làm con thứ hai, bán hết thịt, lãi gần 1 triệu đồng. Hai con heo bán đầu tiên thu tiền lãi xấp xỉ 2 triệu đồng, giống như bước đệm nhảy lên cao hơn” - Thiếu tá Thủy chia sẻ.

Quang dồn cả vốn và tiền lãi vào bờ mua thêm nhiều heo giống nuôi tăng lợi nhuận cao. Một ngày, Thiếu tá Thủy ngồi cà phê tâm sự với Quang: “Ông bà ta thường nói: “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê”. Heo, gà chú đã nuôi, bây giờ chú mở nuôi thêm đàn dê để tăng khoản thu nhập”. Dịp Thiếu tá Thủy nghỉ phép về quê, anh Quang liền nhờ mua giúp giống dê tốt; 30 con dê giống trị giá 50 triệu đồng được vận chuyển ra đảo Cồn Cỏ chăn nuôi. Sau một thời gian, đàn dê của Quang đã phát triển lên mấy trăm con. “Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, em thuê tàu chở vào đất liền bán 150 con, doanh thu trên 100 triệu đồng” - Quang tâm sự.

Gương sáng cộng đồng

Hôm Thiếu tá Ngô Xuân Phương, cán bộ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đưa tôi đi thăm quanh đảo Cồn Cỏ, thấy Quang cởi trần, đi xe đạp mang theo bao ốc. Thiếu tá Phương tặc lưỡi khen: “Ông Quang đi làm như con rái cá, nước thủy triều đang xuống, cả buổi trưa đi bắt ốc, hái rong nho dưới biển về bán cho khách du lịch. Ông lại không biết bơi”.

Ngô Quang bắt ốc bán cho khách du lịch. Ảnh: Hải Luận

Lạ quá, tôi về nhà hàng để hỏi đầu đuôi câu chuyện. “Em đi lặn ốc về bán 30.000 - 40.000đồng/kg tại đảo, rong nho chế biến ra vài món bán thêm cho khách, gọi là quà tươi đặc sản của Cồn Cỏ” - Quang tếu táo.

- Bạn không biết bơi mà ra biển cả ngày và đêm, thấy không an toàn cho lắm? - Tôi hỏi.

- Lúc ở quê, em tập bơi ở sông xém bị chết một lần, nên sợ bơi đến bây giờ. Ốc, cua, rong… ở ngoài này nhiều, ít người đi bắt. Mình rảnh, lội xuống biển kiếm thêm, đi ban đêm đội đèn pha bắt cá nhảy ở dọc bờ đá. Em nhớ những đoạn bờ có địa hình, dòng chảy nguy hiểm như thế nào để tránh né.

Trại chăn nuôi của Quang nằm ở dưới tán rừng, ban đêm phải đi lùa dê về chuồng, ban ngày đi đào cây thuốc. “Em đã 7 lần bị rắn độc cắn, nhưng cơ thể không bị sưng tấy, có hơi đau một chút ở chỗ cắn rồi hết. Nhiều người ở trên đảo bị rắn độc cắn một lần thôi, chân bầm tím, khó thở, phải thuê tàu chạy vào bờ cấp cứu ở bệnh viện. Bác sĩ nói cơ thể em có đề kháng cao chống độc…” - Quang cười nói tự tin.

Chị Hoàng Thị Lan, vợ của Ngô Quang xởi lởi cho biết thêm: “Hai vợ chồng em cưới nhau, chỉ hai bàn tay trắng, ra đảo sinh sống, quanh năm gió biển thổi vào mang theo nước mặn, làm cái gì cũng khó. Vợ chồng em cứ động viên nhau, chỉ có cắm đầu vào làm, buổi trưa không được ngủ, buổi tối cũng đi làm đến khuya. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng em mở thêm mấy phòng nghỉ cho khách du lịch thuê, đang tính mua thêm xe điện chở khách đi quanh đảo...”

Có vốn, có kinh nghiệm, Ngô Quang đã động viên và cho mấy bạn trẻ mới từ đất liền ra đảo công tác “vay vốn” chăn nuôi heo, tăng thêm thu nhập. Thường thì định giá con heo bao nhiêu tiền trước, rồi đưa các bạn nuôi, sau đó bán heo mới trả vốn gốc. Nhờ vậy, có một bạn trẻ trên đảo đã gây dựng được đàn heo 8 con.

Bài 4: Hướng đến đảo du lịch và thương mại

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang