Kiểm soát, ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường biển: Tổng quan kinh nghiệm của Canada và Austraila

18:35 08-07-2021

VBĐVN.vn - Kinh nghiệm trong kiểm soát, ứng phó ô nhiễm môi trường biển tại một số quốc gia trên thế giới (ở Canada và Australia) cho thấy rằng các sự cố ô nhiễm môi trường biển hoàn toàn có thể được giảm thiểu và phòng tránh; đồng thời có giá trị cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển nói chung và công tác kiểm soát, ứng phó ô nhiễm môi trường biển nói riêng tại Việt Nam.

Nước ta có nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng. (Ảnh: Lekima Hùng)

Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, bảo vệ môi trường biển là một nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường biển và tăng hiệu quả kinh tế biển. Ngoài ra, việc quản lý môi trường biển còn phòng ngừa và hạn chế chất thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, ứng phó sự cố môi trường biển trên cơ sở phân vùng chức năng bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển là một tình trạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật. Các chất gây ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học xuất hiện trong môi trường gây biến đổi các thành phần môi trường cao hơn ngưỡng cho phép, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn đối với môi trường biển.

Một bãi biển ở Bình Thuận ngập trong rác thải. (Ảnh: Lekima Hùng)

Bài học kinh nghiệm của Canada

Canada là một quốc gia có diện tích tự nhiên lớn với ba mặt giáp biển, ô nhiễm môi trường biển của Canada do một số nguyên nhân chính; trong đó quan trọng là từ phát thải của tàu thuyền lưu thông trên biển. (tại Thung lũng Lower Fraser, khí thải biển chiếm 33% tổng lượng phát thải SO2, 22% lượng khí thải NO và 12% bụi PM2.5).

Trước đây, Canada là quốc gia thủy sản, hàng hải và chú trọng phát triển hai lĩnh vực ngày trong khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Việc xuất hiện và phát triển của những ngành, nghề mới đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý biển ở Canada. Việc quá chú trọng vào khai thác mà không chú ý tới công tác bảo tồn, dẫn đến nguồn tài nguyên biển bị cạn kiệt, nhiều loài động, thực vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, đa dạng sinh học biển bị đe dọa, hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường sống của con người. Lúc này, viêc quản lý biển đã không còn đơn giản như trước mà trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Canada là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia, áp dụng phương thức quản lý tổng hợp - một phương thức quản lý hiện đại, thích hợp đối với biển. Hệ thống chính sách, pháp luật biển của Canada được xây dựng và phát triển trong thời gian dài gắn với quá trình thay đổi tư duy về quản lý biển. Năm 2002, Canada đã xây dựng, ban hành Chiến lược biển, xác định rõ 3 mục tiêu lớn trong quản lý biển, đó là: Hiểu biết và bảo vệ môi trường biển; Hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Nâng cao vị thế về biển của Canada trên quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu này, chiến lược cũng đã đề ra một số nguyên tắc chủ đạo cần phải tuân theo trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý biển; trong đó bao gồm: nguyên tắc quản lý tổng hợp, phát triên bền vững và cẩn trọng. Ngoài ra, cũng đề cập đến một số nguyên tắc khác như: nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái (ecosystem-based), dựa vào khoa học (science-based). Về quản lý biển, Canada khẳng định đây không phải là công việc và trách nhiệm của riêng chính quyền liên bang. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải chia sẻ trách nhiệm này.

Bài học kinh nghiệm của Australia

Australia là quốc gia sở hữu các dạng môi trường sống đa dạng từ bãi hoang núi cao đến rừng mưa nhiệt đới và được công nhận là một quốc gia có đa dạng sinh học siêu cấp. Gần ¾ người dân Australia sinh sống tại các đại thành thị và khu vực duyên hải. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu trở thành một mối quan tâm ngày càng tăng lên tại quốc gia này, khiến cho bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ môi trường biển trở thành một vấn đề chính trị lớn.

Để ngăn chặn mọi hành vi có thể gây ô nhiễm môi trường biển, Chính phủ Australia đã ban hành nhiều văn bản pháp luật cũng như các công cụ pháp lý rất chặt chẽ và đồng bộ. Giấy phép xả thải, giấy phép tạo rặng san hô nhân tạo là công cụ hiệu quả trong việc tạo ra những điều kiện tự nhiên có lợi cho các loài sinh vật biển. Để được cấp giấy phép, các dự án phải được thẩm định chặt chẽ các nhu cầu, tác động tới môi trường hiện tại và tiềm năng cũng như ảnh hưởng các biện pháp đề xuất.

Kế hoạch quốc gia chống ô nhiễm biển của Australia và Kế hoạch hành động vì Môi trường hoang dã là hai khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho cơ quan an toàn hàng hải Australia là cơ quan trực tiếp tham gia ứng phó với các sự cố ô nhiễm môi trường. Về cơ chế hoạt động của Cơ quan an toàn hàng hải Australia trong các hoạt động ứng phó với ô nhiễm môi trường biển, cơ quan này có nhiệm vụ ứng phó bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm cũng như các tác động môi trường tiêu cực khác gây ra bởi hoạt động vận tải biển; bao gồm các lĩnh vực như: ứng phó với sự cố, đào tạo nhân lực và xây dựng năng lực ứng phó cho các địa phương và cộng đồng dân cư,…Cơ quan này cũng tham gia cùng với các chính quyền địa phương trong việc ứng phó các sự cố ô nhiễm do chất thải độc hại, sinh vật ngoại lai gây hại, ô nhiễm do vận tải biển…

Bài học rút ra cho Việt Nam

Thứ nhất, chính phủ Canada và Australia rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường biển thông qua việc kiểm soát và ứng phó với ô nhiễm môi trường biển. Với những văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất ràng buộc chặt chẽ và đồng bộ, chính phủ của hai quốc gia này đã ngăn chặn và kiểm soát tình trạng ô nhiễm ngay trong các hoạt động xả thải ra biển.

Thứ hai, chính phủ rất chú trọng trong việc tăng cường năng lực ứng phó và giải quyết các sự cố ô nhiễm môi trường biển. Việc thiết lập các cơ chế chính sách cho công tác quản lý môi trường và ô nhiễm biển cũng như hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đơn vị ứng cứu sự cố. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý kịp thời và hiệu quả các sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Thứ ba, việc phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và đơn vị có liên quan trong việc xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường biển cũng nắm giữ vai trò quan trọng trong sự thành công cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Hệ thống thể chế chính sách pháp luật ở Việt Nam về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn để làm cơ sở quản lý; nhân lực quản lý còn thiếu và yếu; nhận thức của cộng đồng dân cư ven biển và trên biển về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chưa cao; cơ sở vật chất trang thiết bị còn chưa đầy đủ,… Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển còn chưa được chú trọng. Vì vậy để có thể thực hiện quản lý tốt môi trường biển, đồng thời ứng phó kịp thời với những sự cố, ô nhiễm môi trường biển, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần phải chú trọng một số nội dung như:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp thống nhất về biển trên cơ sở phân vùng chức năng, quy hoạch không gian biển và thực hiện cơ chế giám sát tổng hợp là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, các hệ sinh thái ven biển và bảo vệ môi trường biển.

Thiết kế và thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án kiểm soát ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái tài nguyên, cảnh báo thiên tai và sự cố môi trường trên biển; ưu tiên triển khai các dự án quản lý, bảo vệ tài nguyên biển, môi trường biển như xử lý chất thải, ứng cứu sự cố môi trường hay ô nhiễm biển…

Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ven biển; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Thường xuyên đánh giá các điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển; thực hiện định kỳ các hoạt động quan trắc, giám sát những biến động về tài nguyên và môi trường biển và vùng ven bờ biển; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường cũng như đánh giá định kỳ việc tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường.

Ứng dụng và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp bảo vệ môi trường biển và dải ven bờ; kết hợp với quản lý lưu vực thượng nguồn; ưu tiên mở rộng và phát triển các khu bảo tồn biển để duy trì, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liên và biển, các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học.

Kết luận

Việt Nam là quốc gia có rất nhiều thế mạnh về biển để có thể phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế đó, quá trình phát triển kinh tế biển cũng cần phải tính đến yếu tố môi trường biển. Từ các bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới nêu trên, có thể nhận thấy rằng vấn đề ô nhiễm môi trường biển là vấn đề đáng báo động; do đó, các quốc gia cũng như Việt Nam cần phải chú trọng bảo đảm chất lượng môi trường biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội biển, luôn luôn phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, ô nhiễm biển.

Thu Thảo (theo vasi.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang