Phát triển kinh tế biển và những kết quả nổi bật hiện nay

08:49 07-10-2024

VBĐVN.vn - Trên cơ sở của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (1993 - 2023), “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thời gian qua, kinh tế biển và vùng ven biển nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình tiến ra biển bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Ngành khai thác thuỷ sản, trong đó có nuôi trồng và đánh bắt đang không ngừng phát triển

Quy mô kinh tế biển phát triển tích cực

Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển lớn; vùng biển Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình kinh tế biển, từ nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến thuỷ hải sản đến khai thác tài nguyên, khoáng sản; phát triển kinh tế hàng hải, kinh tế du lịch và nghỉ dưỡng biển…. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, ngành khai thác, chế biến dầu khí được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến nay, ngành đánh bắt thuỷ sản đã và đang phát triển cả về số lượng và quy mô, phương tiện, công nghệ và hình thức nuôi trồng, đánh bắt. Trong đó, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng năm 2020 đạt hơn 8.600 ngàn tấn, năm 2021 đạt gần 8.800 ngàn tấn, tăng 1,8%. Trong số lượng này, sản lượng khai thác năm 2020 đạt gần 3.900 ngàn tấn, năm 2021 đạt hơn 3.900 ngàn tấn, tăng 1%; sản lượng nuôi trồng có số tương ứng là hơn 4.700 ngàn tấn hơn 4.850 ngàn tấn, tăng 2,5% so với năm 2010. Riêng sản lượng cá biển khai thác năm 2021 đạt hơn 2.900 ngàn tấn, tăng 30,54% so với năm 2015 và 1,16% so với năm 2020.

Trong khi đó, ngành kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo cũng không ngừng phát triển, mang lại 70% doanh thu cho toàn ngành du lịch cả nước. Tại nhiều địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Kiên Giang… đã hình thành và từng bước khẳng định là các trung tâm du lịch biển. Số liệu công bố của cơ quan chức năng cho thấy năm 2018 là năm nguồn thu từ kinh tế du lịch ở nhiều địa phương đạt cao. Trong đó, Quảng Ninh đạt gần 16.000 tỷ đồng, Đà Nẵng 11.000 tỷ đồng, Khánh Hoà hơn 11.000 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 8.600 tỷ đồng, Kiên Giang chủ yếu là Phú Quốc hơn 4.200 tỷ đồng. Trong nhịp độ tăng trưởng đó, doanh thu từ du lịch lữ hành của các địa phương năm 2019 là năm trước đại dịch COVID-19 cũng đạt khá, trong đó Quảng Ninh gần 916,7 tỷ đồng, Đà Nẵng 2.113,3 tỷ đồng, Khánh Hoà 544,5 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 353,3 tỷ đồng, Kiên Giang 348,8 tỷ đồng…

Du lịch biển tại nhiều địa phương đang trở thành lĩnh vực mang lại nguồn thu cao

Đánh giá về nhưng bước chuyển quan trọng trong các ngành kinh tế biển của Việt Nam thời gian qua, tại một hội thảo mới đây về phát triển kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ từ khi đổi mới đến nay do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, PGS.TS Trương Minh Dục (Học viện Chính trị khu vực III) khẳng định: Kinh tế biển nước ta đã chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.

PGS.TS Trương Minh Dục cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2020, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam năm 2020, GRDP của 28 tỉnh, thành ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.040,7 tỷ đồng, chiếm 50,1% GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng địa phương dải ven biển đạt 6,4% bình quân năm trong thời kỳ 2011 - 2020. “Nhờ đó, GDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2020 đạt 84,4 triệu đồng, so với mức bình quân cả nước đạt 82,7 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GDP bình quân đầu người trong nhóm top đầu cả nước như Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu cả nước (263 triệu đồng), Quảng Ninh đứng thứ hai (164 triệu đồng), TP Hồ Chí Minh đứng thứ tư (148 triệu đồng), Hải Phòng đứng thứ sáu (134,6 triệu đồng)…”- PGS.TS Trương Minh Dục thông tin thêm.

Động lực phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển

Theo số liệu từ Hội thảo kể trên, đến năm 2020, cả nước đã hình thành 19 khu kinh tế và 241 khu công nghiệp ven biển; đồng thời, các chuỗi đô thị ven biển với hơn 40 đô thị, trong đó có 03 đô thị biển gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hiện xác định là cực tăng trưởng của 03 vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ.

Các đô thị gắn liền với dải đất ven bờ biển gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Thuận An, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cam Ranh, Tuy Hoà, sông Cầu, Quy Nhơn, Phan Rang - Tháp Chàm, Phan Rí Cửa, Vũng Tàu, Hà Tiên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau… “Các đô thị từ hình thái kề bờ biển đang chuyển sang tiếp cận biển như: Hải Phòng, Huế, TP Hồ Chí Minh… Các đô thị duyên hải và đô thị hải đảo đã được thành lập như Phú Quốc, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Gò Găng - Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chu Lai, Điện Nam, Điện Ngọc (Quảng Nam), Vân Phong (Khánh Hoà), Vạn Tường (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hoá), Quảng Yên (Quảng Ninh), Phát Diệm (Ninh Bình)… Các đô thị đảo như Côn Đảo, Cát Bà và các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong tương lai không xa rất có thể trở thành đô thị hải đảo tiền tiêu, với chức năng quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và trung tâm kinh tế biển mới của Việt Nam” - PGS.TS Trương Minh Dục nêu nguồn từ Tổng Hội xây dựng và cho biết thêm: Hiện có khoảng 19 triệu người, trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo.

Đô thị ven biển Đà Nẵng

Phát triển hạ tầng ven biển - động lực cho phát triển kinh tế biển, ven biển

Cùng với phát triển các loại hình kinh tế biển và hệ thống các đô thị ven biển thì đến nay, khu vực ven biển cả nước hệ thống kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ và mạng lưới giao thông cũng đã được quan tâm đầu tư, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và quốc tế.

Chia sẻ thêm về hệ thống hạ tầng kinh tế biển hiện nay, PGS.TS Trương Minh Dục cho biết, trong những nghiên cứu của mình về phát triển kinh tế biển nhiều năm qua đã khẳng định: “Cơ sở hạ tầng kinh tế biển được chú trọng đầu tư”. Trong đó, hệ thống cảng và dịch vụ biển với 45km cầu cảng, xây dựng một số cảng với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu vận tải lớn như Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng); hệ thống sân bay ven biển gồm 8 cảng hàng không quốc tế, 6 cảng hàng không nội địa và hệ thống sân bay quân sự vùng ven biển, đảo; hệ thống đường bộ ven biển và các tuyến nối nội địa với các vùng biển. Cạnh đó, hệ thống các cảng cá, bến cá và dịch vụ cũng ngày càng được quan tâm phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành khai thác từ biển. Ngoài ra, hệ thống điện tái tạo, sử dụng năng lượng điện gió đến nay cũng đã hình thành, phát huy. Trong đó, với 48 dự án điện gió (tổng công suất đăng ký gần 5.000 MW) đi vào hoạt động; 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW.

Bài, ảnh: Đình Tăng (dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang