Tập trung hoàn thiện các quy hoạch về biển đảo trong năm 2021
VBĐVN.vn - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang khẩn trương thực hiện lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho biết, lập các quy hoạch nêu trên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục từ nay đến hết năm 2021. Cùng với đó, Tổng cục sẽ tập trung xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ; thực hiện thẩm định và phê duyệt hồ sơ nhận chìm, giao khu vực biển theo đúng quy định; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Trương Đức Trí cho biết, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tại trung ương và địa phương, trọng tâm là bố trí kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ có liên quan về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị chuyên dùng; kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý tạo cơ chế chính sách thu hút ngành nghề phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trên biển.
Bên cạnh đó, Tổng cục tăng cường phối hợp, triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trọng tâm là bảo vệ hành lang bờ biển, ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương, tràn dầu, hóa chất độc trên biển.
6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức tốt việc triển khai Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành các nhiệm vụ tham mưu trình Bộ để trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
Đặc biệt, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10-02-2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định của Chính phủ quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh; phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển.
Nhiều thông tư liên quan đến công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo cũng được Tổng cục tích cực khẩn trương triển khai xây dựng như: Thông tư Quy định kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài vùng biển 3 hải lý và vùng biển 6 hải lý; quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát và đánh giá rác thải nhựa đại dương; thông tư ban hành mức thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao khu vực biển; quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển; quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và Quy trình nội bộ giải quyết Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển.
Thu Thảo (theo TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận