Tích hợp thiết bị tự động quản lý tình trạng trang bị, khí tài trên các tàu tuần tra của Cảnh sát biển

14:07 03-02-2020

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và kỹ thuật điện - điện tử, các hãng điện tử trên thế giới có xu hướng sản xuất các trang thiết bị điện tử nói chung và thiết bị hàng hải trên tàu thủy nói riêng đều có tính tích hợp, cho phép các thiết bị ngoại vi khác sử dụng các thông tin (dưới dạng thông tin số). Yêu cầu về tích hợp thiết bị đã trở thành một trong các tiêu chuẩn của trang thiết bị hàng hải. Các hệ thống máy tính với tốc độ xử lý cao cùng các mạch xử lý thông tin ngoại vi (thời gian thực) cho phép xây dựng các hệ thống tích hợp có khả năng tích hợp được số lượng trang bị ngày càng cao, đồng thời các tập đoàn công nghệ phần mềm lớn cũng phát triển các phần mềm như Labview, Matlab cho phép lập trình các thiết bị ngoại vi giao tiếp, hiển thị các thông số, dữ liệu lên máy tính. Đây là cơ sở cho việc nghiên cứu, phát triển các thiết bị tích hợp trong lĩnh vực điện - điện tử mà trước đây không làm được.

Hơn nữa, việc tích hợp thiết bị phục vụ việc tự động hóa chỉ huy, điều hành là xu hướng tất yếu. Ở mức độ hệ thống, trên thế giới đã phát triển các hệ thống tự động hóa chỉ huy C4I (Chỉ huy, điều hành, thông tin, máy tính và tính báo), C4IR (Chỉ huy, điều hành, thông tin, máy tính và tính báo và trinh sát). Các trung tâm tích hợp này được các nước tiên tiến nghiên cứu phát triển từ lâu như ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, trong lĩnh vực quân sự, các trung tâm tích hợp mô hình C4I đã được xây dựng tiêu biểu là Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát biển hoặc Trung tâm Điều hành thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Trong thực tế, đã chứng minh được hiệu quả của tích hợp thiết bị và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, chỉ huy, điều hành.

Trong bối cảnh tình hình mới, nhiệm vụ ngày càng đa dạng, nặng nề, Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, xác định là Lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Lực lượng Cảnh sát biển được đầu tư phát triển, đóng mới, tạo nguồn, tiếp nhận từ nước ngoài nhiều loại tàu thuyền, máy bay, thiết bị kĩ thuật hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, vẫn còn những gam tàu cũ (TT200, TT400...), các thiết bị điện - điện tử đa dạng nhưng chưa được kết nối, tích hợp để thuận lợi cho công tác chỉ huy, điều hành cũng như khai thác, sử dụng. Hơn nữa, ở cấp độ chiến thuật (tàu), việc tích hợp trang thiết bị là yêu cầu tất yếu phục vụ cả hai nhiệm vụ bảo đảm tính sẵn sàng chiến đấu của trang thiết bị trên tàu và công tác bảo đảm kỹ thuật thường xuyên.

Thực tế, năm 2017, Cảnh sát biển được tiếp nhận tàu Hamilton của Mỹ - tàu được trang bị trung tâm chỉ huy điều hành tích hợp (CIC – Combat information centrer), nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Khí tài Điện tử/Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển nhận thấy việc nghiên cứu, chế tạo 01 thiết bị tích hợp các thiết bị khí tài điện tử là cần thiết và là cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển hệ thống tích hợp thông tin, chỉ huy trên tàu Cảnh sát biển. Từ tình hình thực tiễn trên, Thiếu tá Nguyễn Đăng Phương - trợ lý Phòng Khí tài điện tử/ Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển đã nghiên cứu chế tạo thiết bị tích hợp, tự động quản lý tình trạng các trang bị, khí tài trên tàu TT200, TT400 của Cảnh sát biển. Thiết bị cũng đã được tiến hành thử nghiệm thành công với các trang bị thực trên tàu CSB 4036.

Thiếu tá Nguyễn Đăng Phương (phải) - trợ lý Phòng Khí tài điện tử/ Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển, tác giả nghiên cứu thiết bị tích hợp, tự động quản lý tình trạng các trang bị, khí tài trên tàu TT200, TT400 của Cảnh sát biển.

Sau khi được nghiệm thu chính thức, các tàu TT200, TT400 của Lực lượng Cảnh sát biển sẽ được lắp thiết bị tích hợp, tự động quản lý, theo dõi tình trạng kỹ thuật và hoạt động các trang bị khí tài hàng hải, gồm la bàn điện, máy lái, ra-đa, máy định vị, đo gió, đo sâu, đo tốc độ. Trắc thủ có thể nhận thông tin của các trang bị khí tài khi quan sát trên giao diện hiển thị và không phải tiếp cận từng trang bị như trước. Thiết bị còn có thể hỗ trợ thêm các cảnh báo hỏng hóc, tốc độ, độ sâu…; lưu trữ dữ liệu về tình trạng kỹ thuật của từng trang bị phục vụ cho công tác quản lý kỹ thuật, có thể xuất ra dạng văn bản theo các mẫu đăng ký hoạt động của trang bị giúp giảm thời gian đăng ký sổ sách của trắc thủ. Như vậy, mỗi thiết bị có cấu tạo gồm: Khối xử lý trung tâm và các chương trình phần mềm, kết cấu modul; khối hiển thị có chức năng hiển thị giao diện người sử dụng và các giao diện chức năng khác của thiết bị; khối điều khiển và bộ tài liệu thuyết minh kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thiết bị. Các giao diện thiết kế sử dụng tiếng Việt, nên cán bộ, nhân viên kỹ thuật dễ thao tác, sử dụng; hệ thống lưu trữ cho phép người sử dụng nắm chắc thông tin của các trang bị khí tài; đặt các chế độ theo dõi, cảnh báo; in ấn các báo cáo.

Ngoài ra, thiết bị được tích hợp với các thiết bị di động giúp cho cán bộ chỉ huy ngành dễ dàng tổng hợp tình trạng kỹ thuật các trang bị của tàu mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với thiết bị. Đặc biệt, đối với cán bộ quản lý kỹ thuật cấp hải đội, cơ quan kỹ thuật giảm được thời gian nắm, tổng hợp các trang bị của các tàu thuộc quyền quản lý. So với trước đây, cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải mất ít nhất 30-60 phút để kiểm tra các thiết bị trên các tàu, thì với thiết bị này, mỗi tàu chỉ mất chưa đầy 5-10 phút kết nối là có đầy đủ thông tin của các trang bị khí tài hàng hải.

Thiết bị còn được đánh giá cao khi có giá thành thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại được sản xuất ở nước ngoài do nhóm nghiên cứu đã biết phối hợp với các cơ sở trong nước chế tạo, tận dụng vật liệu, linh kiện sẵn có trên thị trường.

Sự thành công của nghiên cứu chế tạo thiết bị tích hợp, tự động quản lý tình trạng trang bị, khí tài trên tàu Cảnh sát biển góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật tại đơn vị cũng như tại cơ quan quản lý; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật trong quân đội từ đó làm chủ công nghệ và làm cơ sở đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiếp theo phục vụ nhiệm vụ của Cảnh sát biển.

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện, phát triển sản phẩm với mục tiêu là mở rộng tích hợp các trang bị khác trên các tàu; nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động quản lý ở các cấp từ Bộ Tư lệnh đến đơn vị cơ sở thông qua hệ thống thông tin vệ tinh VSAT và mạng truyền số liệu quân sự; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các trang thiết bị kỹ thuật của tất cả các loại tàu trong Lực lượng Cảnh sát biển.

Nguồn:Canhsatbien.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang