Vệt 3 bài: Đất và người giữa trùng khơi Tổ quốc. Bài 3: Trào dâng tự hào và tình yêu gửi lại

14:21 13-07-2021

VBĐVN.vn - Trong chuyến công tác Trường Sa, tôi và các thành viên trong đoàn vô cùng ấn tượng với hình ảnh lá cờ Tổ quốc rực rỡ, kiêu hãnh tung bay trên các con tàu, các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn giữa biển trời bao la, xanh thẳm. Chắc chắn bất cứ người Việt nào được ngắm nhìn hình ảnh đó giữa biển khơi đều thấy lòng mình trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc...

Lời thề giữ biển

Hôm đến thị trấn Trường Sa, buổi lễ chào cờ thiêng liêng, hùng tráng nơi đảo xa khiến nhiều thành viên đoàn công tác không giấu được cảm xúc. Là quân nhân, tôi đã đọc, đã nghe rất nhiều lần 10 lời thề danh dự của quân nhân, nhưng ra Trường Sa, tôi vẫn lặng đi vì xúc động khi nghe những lời thiêng liêng ấy... Đại tá Phạm Xuân Tuấn, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu cũng thừa nhận rằng, giây phút ấy ông cũng thấy rưng rưng. Chỉ phiến đá có khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đặt ngay phía sau cột cờ, người sĩ quan đã có hơn 30 tuổi quân ấy bảo tôi: “Nhà báo nên chụp bức ảnh này, rất ý nghĩa đó”. Tôi đã thuộc lòng bài thơ đó từ khi học phổ thông, nhưng đọc “Nam quốc sơn hà” ở Trường Sa càng thấm thía từng câu, từng chữ. Chủ quyền đất nước, quyết tâm giữ vững từng tấc đất, sải biển của ông cha ta từ bao đời nay đã được khắc vào đá, đặt tại mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió này chính là lời thề sắt đá của quân, dân Trường Sa với thế hệ ông cha, với nhân dân, với Tổ quốc: “Còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”.

Công cuộc xây dựng, bảo vệ biển, đảo quê hương đòi hỏi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa phải kiên gan, bền trí, vững vàng trước mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lẽ thế nên trong suốt hành trình, từ đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin rồi qua Tiên Nữ, Tốc Tan, Thuyền Chài, An Bang, Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây và đảo Trường Sa... rồi cả nhà giàn DK1, đến đâu, tôi cũng gặp hình ảnh người chiến sĩ nước da đen giòn nắng gió và nụ cười rạng rỡ lạc quan.

Họ sẵn sàng vượt mọi gian khó, hiểm nguy với ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Như Trung sĩ Bùi Văn Hiệp (Phân đội 2, Cụm chiến đấu 1) trên đảo Sơn Ca, đứng gác giữa nắng hè gay gắt, mồ hôi lăn dài hai bên má sạm màu, lưng áo ướt đẫm mà khi được hỏi vẫn cười tươi: “Tôi không thấy có khó khăn gì mà chỉ thấy tự hào khi được là chiến sĩ Trường Sa”. Hay như chiến sĩ Dương Đức Hoàng Trí ở đảo Cô Lin đã khẳng định chắc nịch: “Tôi cùng đồng đội sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”...

Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng, trao quà của Bộ Quốc phòng tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca.

Hình ảnh người chiến sĩ bồng súng đứng gác tôi đã gặp rất nhiều ở các đơn vị trong đất liền. Nhưng giữa mênh mông biển cả thì hình ảnh đó thật đặc biệt, trang nghiêm. Vì thế, cứ thấy chiến sĩ đứng gác trên các đảo và nhà giàn là tôi giơ máy ảnh lên, say sưa chụp.

Trong chuyến công tác huyện đảo Trường Sa, do thời gian ngắn nên chúng tôi chỉ may mắn được ở lại một buổi tối tại thị trấn Trường Sa để giao lưu với quân, dân trên đảo. Trong lúc văn công biểu diễn, tôi tranh thủ đi quanh đảo để khám phá đêm đảo xa. Ra cổng thị trấn, tôi gặp một chiến sĩ đang bồng súng nghiêm trang canh gác về hướng biển, sau lưng anh là sân khấu lung linh đèn, rộn ràng tiếng nhạc văn công đang biểu diễn. Trời quá tối, nhưng tôi vẫn xin phép người chiến sĩ cho chụp ảnh. Ánh đèn flash làm nổi bật người chiến sĩ đứng gác bên cây phong ba, biểu tượng của Trường Sa kiên cường. "Anh có tiếc vì không được xem văn công biểu diễn không?". Tôi hỏi và lập tức nhận được câu trả lời: “Tiếc lắm chứ! Nhưng nhiệm vụ không cho phép chúng tôi lơi lỏng một phút nào, vì cả nước đã gửi niềm tin vào chúng tôi. Chúng tôi nhất định không phụ lòng tin ấy”.

Không ngại phong ba, bão tố...

Trong hải trình thăm và làm việc ở quần đảo Trường Sa, mỗi đoàn công tác khi đi qua vùng biển Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao đều dừng lại thắp hương, thả vòng hoa tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi, từ cô văn công trẻ tuổi đến vị tướng dạn dày sương gió đều không ngăn được niềm xúc động. Tấm gương hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh trở thành tượng đài bất tử cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay noi theo.

Hôm đến đảo Tốc Tan A, tôi tò mò khi nhìn thấy tấm bảng đề “21 nội dung công việc trong ngày” treo trên tường. Quen với “11 chế độ trong ngày” của bộ đội trong đất liền nên tôi mang thắc mắc này hỏi Đại úy Nguyễn Hữu Quang, Chính trị viên đảo Tốc Tan A và được anh giải thích: Vì yêu cầu nhiệm vụ ở ngoài đảo có nhiều điểm khác trong đất liền nên chế độ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ cũng khác. “Rèn luyện chăm chỉ, duy trì kỷ luật nghiêm, nêu cao cảnh giác, tinh thần sẵn sàng chiến đấu” là khẩu hiệu nằm lòng của mỗi chiến sĩ Trường Sa.

Tôi đứng trên vị trí cao nhất đảo Tốc Tan A, nhìn ra bốn phía chỉ thấy biển mênh mông một màu xanh thăm thẳm. Đó là ngày biển êm, còn những ngày dông bão, ngôi nhà nhỏ bé trên đảo đá này chỉ như chiếc lá nhỏ giữa trập trùng biển động. Càng thấy khâm phục những người lính biển, họ phải kiên gan, bền chí thế nào mới vững vàng trước sóng gió nơi đây.

Ra Trường Sa, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước những người lính biển. Có những chiến sĩ còn gác bút nghiên, tình nguyện lên đường ra đảo xa, như Trần Quang Vinh (đảo Tiên Nữ) xung phong nhập ngũ khi đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Theo quy định, Vinh thuộc diện được tạm hoãn nhập ngũ. Nhưng Vinh bảo, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc là trách nhiệm công dân, hơn nữa không phải ai cũng có vinh dự được ra Trường Sa công tác. Vì thế, Vinh quyết tâm lên đường và tự hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ý thức trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ biển, đảo không chỉ có ở cán bộ, chiến sĩ mà mọi người dân ở huyện đảo Trường Sa đều thấm nhuần. Đến đảo Sinh Tồn, tôi tới thăm nhà chị Nguyễn Thị Thu Thủy và được nghe chị tâm sự: Ở đảo xa, dù còn nhiều khó khăn nhưng cả bộ đội và người dân đều cố gắng khắc phục. Mọi người dân trên đảo đều tự thấy trách nhiệm cần phải nỗ lực nhiều hơn, nâng cao tinh thần cảnh giác, đóng góp công sức, giúp đỡ bộ đội cùng xây dựng, bảo vệ biển, đảo, xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm của đồng bào cả nước.

Trường Sa có bao điều để nhớ, để thương, để vấn vương dù mới được một lần đến. Đó là những ngôi nhà hiên ngang, sừng sững trước những con sóng bạc đầu. Đó là những mảng xanh dịu dàng cây lá, là những thềm cát san hô trắng tinh, là nắng cháy da và gió mang mùi muối mặn... Đặc biệt ở Trường Sa là những con người mang tinh thần bất diệt, kiên cường vượt mọi gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Họ được tôi luyện như thép với vẻ đẹp của sự can trường, quân tử, dù điều kiện, hoàn cảnh nào cũng giữ vững nụ cười lạc quan, quên mình vì người khác.

Đêm chia tay Trường Sa để lại những ấn tượng sâu đậm, những kỷ niệm có lẽ sẽ không bao giờ quên với tất cả thành viên đoàn công tác. Người ở thì muốn níu chân khách nán lại thêm chút nữa, người đi cũng dùng dằng chẳng muốn rời. Tiếng loa liên tục giục về tàu, mà trên cầu cảng, những cái ôm, những bàn tay vẫn siết chặt không rời. Bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” lại vang lên át cả tiếng sóng biển dạt dào: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua...”. Tất cả mọi người dường như quên cả tuổi tác, chức vụ, quân hàm... cùng khoác vai, nắm chặt tay nhau hát vang những lời ca đầy tự hào ấy mà mắt ai cũng thấy long lanh nước... Tôi cúi xuống định nhặt viên đá san hô của đảo Trường Sa về làm kỷ niệm, nhưng rồi lại thôi. Một viên đá dù nhỏ nơi đây cũng góp phần bồi đắp nên dáng hình hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi chỉ được mang về tình cảm của quân, dân Trường Sa và xin gửi lại tình yêu, cùng với niềm tin...

Ngọc Hân

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang