Giải pháp cho người dân nuôi biển

Bài 1: Rủi ro của phương cách truyền thống

08:42 19-10-2023

VBĐVN.vn - PGS.TS Võ Văn Nha, Phó viên trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III chia sẻ về việc chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè truyền thống cho người dân nuôi biển.

Nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Lồng nuôi không thích ứng thiên tai

Vùng Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, bởi không chỉ có biển dài, nhiều đậm vịnh mà còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu về biển.

Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển ở Nam Trung bộ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, mà góp phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế nông lâm thủy sản các địa phương. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Chẳng hạn như công nghệ nuôi biển bằng lồng bè gỗ, tre của người dân còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực tế, cơn bão số 12 xảy ra vào năm 2017 và cơn bão số 9 vào năm 2021 đã minh chứng về rủi ro này khi gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người người nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam Trung bộ. Trong đó, cơn bão số 12 là nỗi ám ảnh kinh hoàng của ngư dân, với sức gió cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn đã đánh tan tành lồng bè nuôi tôm, cá trên biển. Nhiều hộ nuôi phút chốc mất tiền tỷ, trở nên trắng tay chỉ sau một đêm.

Lồng bè nuôi của người dân bằng gỗ tre, không thích ứng với thiên tai. Ảnh: Kim Sơ.

Trước thực trạng trên, việc chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng/bè truyền thống trên biển cho người dân là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký ban hành văn bản số 1775/BNN-TCTS về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, theo đó đã xác định, hiện tại nuôi biển đóng vai trò “đặc biệt quan trọng” trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ “giảm khai thác - tăng nuôi trồng” nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người và gìn giữ tài nguyên biển, phát triển bền vững thì việc chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống hiện tại của người dân sang hình thức mới tốt hơn, hiện đại hơn, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn là hết sức cần thiết.

Hiện nay nuôi trồng thủy sản trên biển ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2022, cả nước có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển, với khoảng 248.838 ô lồng. Trong đó, vùng bờ đến 3 hải lý 6.506 cơ sở, với 244.402 ô lồng, chiếm 87,4% số cơ sở và 98,2% ô lồng; vùng biển từ 3 đến 6 hải lý 914 cơ sở, với 4.299 ô lồng, chiếm 12,3% số cơ sở và 1,7% ô lồng; vùng biển xa ngoài 6 hải lý 27 cơ sở với 137 ô lồng, chiếm 0,3% số cơ sở và 0,1% ô lồng. Diện tích đạt 85.000ha và 9 triệu m³ lồng. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản biển đạt khoảng 0,75 triệu tấn, tăng 10,7% so với năm 2021 (Tổng cục Thủy sản).

Thực tế cơn bão số 12 và 9 làm nhiều lồng bè bằng gỗ của người dân bị thiệt hại. Ảnh: Kim Sơ.

Trong đó, tập trung chủ yếu là nuôi theo kiểu truyền thống (lồng làm bằng khung gỗ hay sắt, ít chịu sóng to, gió lớn khi mưa bão), chỉ một số ít được nuôi theo kiểu hiện đại hơn đã được thực tế kiểm chứng tốt hơn khi gặp sóng to, gió lớn lúc mưa bão và đem lại hiệu quả hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống.

Người dân và doanh nghiệp nuôi biển với nhiều loài như cá chẽm, cá chim vây vàng, cá mú, tôm hùm, hàu, rong biển, hải sâm và sinh vật cảnh... Tuy nhiên, hạ tầng nuôi biển còn rất hạn chế, thiếu đồng bộ, chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống. Một số doanh nghiệp đã sớm tiếp cận công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp bằng lồng HDPE như Công ty TNHH Ngọc Trai, Marine Fams ASA (Na Uy), Thủy sản Australia Việt Nam... nhưng chưa nhiều.

Chuyển đổi là xu hướng

Trên thế giới, nuôi biển đang có xu hướng chuyển từ các trại nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển từ vùng nước ven bờ, với hệ sinh thái nhạy cảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi trên đại dương; chuyển từ nuôi biển do hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển, với các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư.

Để thích ứng biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi lồng nuôi sang lồng HDPE là rất cần thiết. Ảnh: Kim Sơ.

Thiết lập quy hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, tăng cường công cụ quản lý nhà nước và cơ chế đồng quản lý; xây dựng hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường và cảnh báo, đảm bảo an ninh nuôi biển; đồng thời, thiết lập chuỗi giá trị, liên kết cơ sở nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ và phân phối sản phẩm...

Ở Việt Nam, người nuôi trồng thủy sản trên biển (trừ các doanh nghiệp nuôi biển) có thể tạm chia thành 3 nhóm: Nhóm nuôi biển với số lượng ô lồng lớn (khoảng hơn 50 ô lồng); nhóm có số lượng ô lồng ở mức trung bình (từ 10 - 50 ô lồng) và cuối cùng là nhóm có số lượng ô lồng ít (nhỏ hơn 10 ô lồng). Trong đó, đa số là nhóm có số lượng ô lồng ở mức trung bình. Phần nhiều người nuôi đều nuôi theo kiểu truyền thống, với vật liệu làm lồng thô sơ, kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Do vậy, ứng với với mỗi một nhóm qui mô nuôi biển khác nhau, cũng cần các giải pháp chuyển đổi khác nhau. Với nhóm có qui mô lớn, chúng ta chỉ cần vận động họ hợp tác, hướng đến chuyển đổi sang các mô hình nuôi biển theo hướng công nghệ cao như các công ty, doanh nghiệp để dẫn dắt người khác.

Với nhóm có qui mô trung bình, tập trung hướng dẫn, tập huấn/đào tạo và tăng cường tham quan mô hình nuôi biển tốt hơn, hiện đại hơn, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn; đồng thời có chính sách hỗ trợ, có giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn/khác biệt hơn so với kiểu nuôi biển truyền thống. Với nhóm có ít ô lồng hơn thì cần thúc đẩy liên kết để gia tăng nguồn lực, khuyến khích họ chuyển đổi nghề hoặc liên kết lại với nhau để họ vẫn có thể tham gia vào chuỗi hoạt động nuôi biển ở địa phương.

Khi chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất của người dân là một trong những hành động cụ thể và thiết thực, góp phần thực hiện các bước đi cụ thể nhằm làm sáng tỏ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.

Chúng ta biết rằng, người dân nuôi trồng thủy sản truyền thống trên biển vốn dĩ xuất phát điểm suy nghĩ khá đơn giản, cả về nhận thức lẫn qui mô. Điều này cũng không khó hiểu bởi vì, phần đông người nuôi biển hiện nay là các ngư dân ven biển, vốn xưa nay chỉ biết nhiều đến việc khai thác các sản vật có từ biển, từ con cá, con tôm, đến con ốc, con sò... Họ có thể chỉ biết “lộc biển” ban cho họ từ hàng ngàn năm nay. Do vậy, để việc thay đổi tư duy nhận thức sẽ là một quá trình chứ không thể ngày một, ngày hai. Điều quan trọng là làm sao để họ “tai nghe mắt thấy” mới tin, mới có thể thay đổi suy nghĩ từ bên trong, từ đó dẫn đến hành động “tự giác thực hiện” chứ không còn chỉ là chuyện “khua chiêng, đánh trống bỏ dùi”.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang