Biển Đông: Để có được COC hiệu quả cần xem xét các vấn đề pháp lý
VBĐVN.vn - Trong một bài viết gần đây trên East Asia Forum, Aristyo Rizka Darmawan, Giảng viên Luật Quốc tế tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững, Đại học Indonesia cho rằng, khi các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) đang tiến triển, điều quan trọng là các vấn đề pháp lý cơ bản phải được xem xét.
Phạm vi địa lý, tính ràng buộc
Biển Đông đã trở thành điểm nhấn quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 8 (ADMM+ lần thứ 8) được tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Tất cả các phái đoàn tham dự hội nghị đều nhất trí rằng, việc duy trì hòa bình cũng như an ninh tại Biển Đông là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong khu vực.
Các đoàn tham dự hội nghị đều cho rằng, để duy trì được hòa bình ở Biển Đông, cần phải giữ vững động lực trong các cuộc đàm phán về COC.
Các cuộc đàm phán COC đã bị trì hoãn 1 năm qua do đại dịch Covid-19. Indonesia đã đề xuất đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về COC trong tháng 7 năm nay, nhưng do làn sóng Covid-19 thứ hai ở Jakarta đang trở nên tồi tệ hơn, cuộc đàm phán COC đã bị hoãn lại.
Việc hoàn tất COC còn cần thêm thời gian đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo chuyên gia Luật Quốc tế Aristyo Rizka Darmawan, có 4 vấn đề pháp lý quan trọng liên quan tới COC cần phải được xem xét.
Cơ chế giám sát và giải quyết tranh chấp
Để duy trì được hòa bình ở Biển Đông, cần phải giữ vững động lực trong các cuộc đàm phán về COC.
Thứ nhất, cần thiết lập một thỏa thuận vững chắc về phạm vi địa lý của COC. Tất cả các bên tham gia đàm phán nên đề xuất khu vực tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS năm 1982).
Bất kỳ tuyên bố nào dựa trên cơ sở lịch sử không được công nhận theo UNCLOS 1982 đều không được chấp nhận, bao gồm cả cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vạch ra và đã bị Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye ra phán quyết là bất hợp pháp hồi năm 2016.
Thứ hai, việc COC có ràng buộc pháp lý đối với các bên hay không cũng là vấn đề quan trọng. COC sẽ hiệu quả hơn nếu tất cả các bên coi đây là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này sẽ tạo ra sự chắc chắn và cung cấp một cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng cho các trường hợp vi phạm.
Thứ ba, bất kể COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không, điều cốt yếu là phải xây dựng các cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của nó. Sự thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ mà các bên tuân thủ. COC có thể thành lập một cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ thu thập các thông tin liên quan.
Cơ quan độc lập này sẽ cần bao gồm đại diện của tất cả các bên để nâng cao độ tin cậy và báo cáo thường xuyên về việc tuân thủ COC.
Thứ tư, COC cũng nên đề ra một cơ chế giải quyết tranh chấp. Cần lường trước các tranh chấp và giải quyết chúng dựa trên việc diễn giải COC, hoặc việc thực hiện và áp dụng các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Hầu hết các điều ước quan trọng đều có quy trình giải quyết tranh chấp. COC có thể lựa chọn từ nhiều diễn đàn quốc tế hiện có để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, chẳng hạn như Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan), hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg (Đức).
Một vấn đề khác là liệu cơ chế giải quyết tranh chấp trong COC có nên được coi là bắt buộc hay không. Một số điều ước quốc tế như UNCLOS có cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với tất cả các bên.
Rõ ràng, khi các cuộc đàm phán COC về Biển Đông tiến triển, điều quan trọng là các vấn đề pháp lý cơ bản phải được xem xét.
Thu Nguyên (theo baoquocte.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận