Cấp mã vùng nuôi thủy sản: Các địa phương cần khẩn trương thực hiện giao khu vực biển

08:29 28-11-2023

VBĐVN.vn - Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân với phóng viên về vấn đề cấp Giấy xác nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè.

PV: Thưa ông, xuất khẩu tôm hùm bông của nước ta sang Trung Quốc đang lao đao khi thị trường này yêu cầu cơ sở bao gói, cơ sở nuôi phải thực hiện đăng ký thông tin cụ thể về cơ sở nuôi. Trong khi đó đa phần tôm hùm bông nuôi ở nước ta lại chưa được cấp Giấy xác nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè, từ đó việc đăng ký thông tin cơ sở nuôi còn nhiều khó khăn, quy định này có phải đang làm khó cho tôm hùm bông?

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: "Hiện nay, cả nước có khoảng 17.200 cơ sở nuôi lồng bè thuộc đối tượng phải đăng ký (cấp mã số)". Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Trần Đình Luân: Việc cấp Giấy xác nhận cơ sở NTTS lồng bè, đăng ký thông tin cơ sở nuôi tôm hùm bông còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm hùm, trong đó có tôm hùm bông sang Trung Quốc.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trên cần sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các địa phương, hiệp hội ngành hàng và người nuôi tôm hùm.

Về phía địa phương, cần khẩn trương thực hiện giao khu vực biển, đồng thời sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

PV: Trung Quốc còn đưa ra yêu cầu, tôm hùm bông nuôi không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2). Quy định này liệu có “bít cửa” xuất khẩu đối với tôm hùm bông nước ta?

Ông Trần Đình Luân: Việc Trung Quốc quy định đối với tôm hùm bông nuôi không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2) sẽ gây khó khăn rất lớn đối với xuất khẩu tôm hùm bông nước ta vào thị trường này.

Trong khi đó, tôm hùm bông không thuộc Danh mục quản lý của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) (Thông báo số 25/TB-CTVN ngày 17-2-2023 về việc công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước CITES).

Việc cấp Giấy xác nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, đăng ký thông tin cơ sở nuôi tôm hùm bông còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm hùm, trong đó có tôm hùm bông sang Trung Quốc. Ảnh: Kim Sơ.

Mặt khác, tôm hùm bông thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Phụ lục VIII của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Hiện nay, giống tôm hùm bông được khai thác từ vùng biển trong nước và nhập khẩu từ một số nước trong khu vực đều có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát chất lượng theo quy định.

PV: Từ câu chuyện tôm hùm bông, một trong những cái khó của chúng ta chính là việc cấp Giấy xác nhận NTTS lồng bè, ông có thể cho biết vấn đề này hiện đang được triển khai ra sao?

Ông Trần Đình Luân: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản 2017: “Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè”. Hiện nay, cả nước có khoảng 17.200 cơ sở nuôi lồng bè thuộc đối tượng phải đăng ký (cấp mã số); đã thực hiện cấp mã số cho 621 cơ sở (chiếm 3,6%).

Việc cấp Giấy xác nhận cơ sở NTTS lồng bè gặp khó do phần lớn các cơ sở NTTS lồng bè chưa được giao, cho thuê đất, khu vực biển để NTTS.

PV: Như ông chia sẻ, địa phương cần khẩn trương thực hiện giao khu vực biển. Tuy nhiên nhiều địa phương “than thở” chưa có quy hoạch rõ ràng nên chưa có căn cứ giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển cho người nuôi. Vậy mấu chốt vướng mắc thực sự nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Theo quy định tại Điều 43 Luật Thủy sản “Việc giao, cho thuê, thu hồi đất để NTTS thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”; Điều 44 Luật Thủy sản “Việc giao khu vực biển để NTTS phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy định của pháp luật về biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa thực hiện việc giao, cho thuê đất, khu vực biển để NTTS. Vì vậy, việc cấp mã số cơ sở NTTS lồng bè gặp khó khăn, do không đáp ứng đủ thành phần hồ sơ đề nghị cấp mã số theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

PV: Theo ông, trước những khó khăn trong việc cấp Giấy xác nhận cơ sở NTTS lồng bè như vậy, chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ?

Ông Trần Đình Luân:

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật, khi phát hiện những tồn tại, bất cập, khó khăn trong triển khai cấp Giấy xác nhận cơ sở NTTS lồng bè, Cục Thủy sản đã kịp thời tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2177/QĐ-TTg ngày 23-12-2021 về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT, cụ thể:

Bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để NTTS hoặc giấy phép hoạt động NTTS trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để NTTS”.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Tờ trình số 9202/TTr-BNN-TCTS ngày 31-12-2021 về việc trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; ngày 30-8-2023, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo số 6022/BC-BNN-TS, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP, trong đó có nội dung đề nghị xem xét, bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

PV: Quay trở lại với câu chuyện tôm hùm bông, để “khơi thông” xuất khẩu giải pháp trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần làm rõ với Cơ quan hữu quan của Trung Quốc về việc đưa các quy định mới như vậy có phù hợp với “Công ước CITES” và các quy định về tự do thương mại theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay không.

Cùng với đó, chúng ta tổ chức các cuộc đàm phán với “bạn” để tháo gỡ những vướng mắc do “những quy định mới của phía Trung Quốc đưa ra”, trường hợp đủ cơ sở pháp lý chúng ta có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định quốc tế.

Hiện nay nhiều địa phương chưa thực hiện việc giao, cho thuê đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Thanh Cường.

Đối với sản xuất trong nước, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo Điều 36 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác “Xác nhận đăng ký NTTS lồng, bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”; khuyến cáo trước mắt “giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh”.

Tăng cường kiểm soát các quy định điều kiện cơ sở nuôi, kiểm soát nguồn gốc giống tôm hùm (chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về quản lý giống tôm hùm. Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam số 02-34:2021/BNNPTNT, Văn bản 6361/BNN-TY ngày 11-9-2023 về ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống, chỉ đạo của Cục Thủy sản tại Văn bản 1087/TS-GTATS ngày 17-10-2023 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống và Văn bản 613/TS-NTTS ngày 16-8-2023, 1253/TS-NTTS ngày 7-11-2023 về tăng cường quản lý NTTS trên biển Nam Trung bộ và tôm hùm).

Thực hiện nghiêm quy định cấm khai thác tôm hùm bông (Panulirus ornatus) trong thời gian từ ngày 1/4 - 30/5 hàng năm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (Phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP). Tăng cường nghiên cứu và hợp tác quốc tế nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm để chủ động sản xuất.

Rà soát, nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường xuất khẩu và trong nước để tổ chức sản xuất hợp lý đối với tôm hùm bông. Đồng thời tăng cường truyền thông để đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước.

Sớm hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc tôm hùm để phục vụ quản lý, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu.

Đối với các thị trường tiêu thụ khác, chủ động tổ chức mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sang các nước tiềm năng như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Philippines…; nghiên cứu tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng được chế biến từ tôm hùm nói chung và tôm hùm bông nói riêng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

"Hiện nay nhiều địa phương chưa thực hiện việc giao, cho thuê đất, khu vực biển để NTTS. Vì vậy, việc cấp mã số cơ sở NTTS lồng bè gặp khó khăn, do không đáp ứng đủ thành phần hồ sơ đề nghị cấp mã số theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản", Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nói.

Hồng Thắm (thực hiện)

(nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang