Sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo
VBĐVN.vn - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch này, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu: đến năm 2050 Tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển trong lành, hài hoà với thiên nhiên.
* Năm 2030, xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị, khu du lịch biển
Quyết tâm của tỉnh Quảng Nam là: Tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: 1- Công nghiệp ven biển; 2- Nuôi trồng và khai thác hải sản; 3- Kinh tế hàng hải; 4 - Du lịch và dịch vụ biển; 5- Khai thác, chế biến dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; 6- Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Cùng đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm môi trường biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030: 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển và 85% tổng lượng chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo theo quy định. 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn vùng biển, đảo được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển.
100% các khu bảo tồn biển, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định và có biện pháp quản lý hiệu quả…
*Tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp
Để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, giai đoạn tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiến tới phân vùng sử dụng không gian biển; ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.
Kế hoạch nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển, tài nguyên vùng bờ thông qua áp dụng các công cụ quy hoạch, kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp, đến năm 2030 cơ bản khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Quảng Nam sẽ tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển, thực thi có hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.
Thúc đẩy hoạt động đồng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ trách nhiệm và quyền hưởng lợi trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng là một giải pháp của tỉnh hướng đến khai thác bền vững tài nguyên biển.
Mặt khác, Quang Nam sẽ tăng cường năng lực và chủ động kiểm soát, giám sát, xử lý các vấn đề môi trường biển của tỉnh, bao gồm ô nhiễm môi trường biển và các vấn đề liên quan khác; Tăng cường năng lực hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong kiểm soát và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Song song đó, thời gian tới, Quảng Nam sẽ hoàn thành việc cắm mốc giới và quản lý chặt chẽ bờ biển và hành lang bảo vệ bờ biển theo đúng Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và các Luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Quảng Nam tiếp tục chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng Điều tra cơ bản biển và hải đảo; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.
Khánh Anh (monre.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận